Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách "tam nông"

Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách "tam nông"

Nguyễn Hữu Thắng

Nguyễn Hữu Thắng

Thứ 3, 27/09/2022 16:38

Nông dân Hà Nội, các cấp các ngành, doanh nghiệp cần tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận để cùng nhau xây dựng nông thôn Thủ đô.

Tại hội nghị đối thoại giữa Thường trực Thành ủy, lãnh đạo TP với nông dân ngày 27/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã biểu dương ngành nông nghiệp Hà Nội trong những năm gần đây, mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức của dịch Covid-19, song, vẫn duy trì phát triển; công tác xây dựng nông thôn mới đạt được những thành tựu lớn.

Khu vực nông thôn Hà Nội có bước chuyển mình và phát triển rõ nét, kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, diện mạo nông thôn thực sự được đổi mới, ngày càng văn minh, hiện đại. Thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ giàu tăng, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ rệt, nhiều vùng được nâng cao…

Ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị và đề xuất của đại biểu nông dân Thủ đô tại hội nghị, đồng thời, để triển khai những quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành nông nghiệp của Trung ương và Thành phố, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố cần tập trung thực hiện hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, tuyên truyền, quán triệt định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; động viên các tầng lớp nông dân tích cực tham gia các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Tiếp tục xây dựng người nông dân Hà Nội thanh lịch, văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại; thay đổi cách nghĩ, cách làm, khắc phục hạn chế của tư duy tiểu nông, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phấn đấu vươn lên, làm giàu từ mảnh đất quê hương, góp phần xây dựng quê hương, Thủ đô và đất nước ngày càng phát triển.

Giao Hội Nông dân Thành phố chủ động xây dựng “Đề án nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp giai đoạn 2023-2025” để trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt triển khai thực hiện để giúp cho phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Các cấp chính quyền từ Thành phố đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giúp nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới; tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tham gia xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp...

"Khẩn trương rà soát diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, không canh tác để có giải pháp giải quyết hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Cùng với đó, vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, nâng quy mô sản xuất; phát triển các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Tiêu điểm - Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách 'tam nông'

Khẩn trương rà soát diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, không canh tác để có giải pháp giải quyết hiệu quả, tránh lãng phí.

Xuất phát từ hoạt động thực tiễn phong trào, nắm bắt nguyện vọng của nông dân nói chung về phát triển nông nghiệp, nông thôn, những kiến nghị của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp Hội cần nghiên cứu, tổng hợp đề xuất, kiến nghị với nhà nước, các ngành, chính quyền Thành phố hoàn thiện về cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ, hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.

Để phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, trước mắt, Bí thư Thành ủy đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, định hướng phát triển nông nghiệp tại địa phương bám sát theo các chương trình, kế hoạch của Trung ương, Thành phố đã ban hành. Hướng dẫn người dân tổ chức lại sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm, chỉnh trang đồng ruộng xanh, sạch, đẹp đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của người dân…

Nhấn mạnh nông nghiệp phải được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; nông dân là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng mong muốn nông dân Thủ đô, các cấp các ngành, các doanh nghiệp tiếp tục phát huy đoàn kết, sáng tạo, đồng thuận, để cùng nhau xây dựng nông thôn Thủ đô khang trang hơn, giàu đẹp hơn, văn minh hơn và hướng tới các tiêu chí đô thị.

Về những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nông dân, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành Thành phố chủ động và tích cực tham mưu hướng dẫn thực hiện, đánh giá hiệu quả thực tế các chính sách hiện hành của Thành phố; rà soát các quy định, cơ chế chính sách của Trung ương và Thành phố; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn để các cơ chế, chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực, nhất là các chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ứng dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã QR, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản sản phẩm.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.