Nhà trường và phụ huynh lo lắng khi trường học đặt gần trung tâm cai nghiện
Để đáp ứng chỗ học công lập cho học sinh trên địa bàn, năm học này Trường THCS Hà Đông, quận Hà Đông (Thành phố Hà Nội) chính thức được đưa vào hoạt động, chào đón 1.270 em học tập tại nhà trường.
Tuy nhiên, cùng với niềm vui trường mới là nỗi lo lắng của thầy cô, phụ huynh về việc khi Trường THCS Hà Đông lại nằm ngay cạnh cơ sở điều trị methadone cho người nghiện.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Huyền (Vạn Phúc, Hà Đông): "Năm nay con tôi bắt đầu học lớp 6 tại trường. Trường mới, cơ sở vật chất khang trang. Gia đình không có gì lo lắng nếu các con không học gần cơ sở cho người nghiện, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến học tập của học sinh".
Phụ huynh này rất mong muốn các cơ quan chức năng sẽ sớm di chuyển cơ sở này, bởi có những hậu quả không lường trước. "Các con đang ở độ tuổi phát triển khó tránh khỏi sự tò mò, tìm hiểu những thứ mới, trong khi nguy cơ tiềm ẩn thì lại rất gần nơi học", chị Huyền bày tỏ.
Theo đại diện nhà trường, trước mắt sẽ có những phương án phối hợp với phụ huynh để quản lý học sinh.
Bà Đỗ Diệu Hằng - Phó hiệu trưởng Trường THCS Hà Đông chia sẻ: "Ngay khi nhận bàn giao trường mới và biết được thông tin nhà trường ở gần cơ sở cho người nghiện, các thầy cô giáo chúng tôi rất lo lắng và trăn trở".
Để đảm bảo an toàn cho các con khi năm học mới đã cận kề, bà Hằng thông tin: "Chúng tôi có kế hoạch sẽ phối hợp với các phụ huynh để quản lý chặt chẽ khoảng thời gian trước khi học sinh vào lớp và sau khi tan học, đặc biệt là có thông báo cụ thể lịch học của các con. Tránh tình huống học sinh la cà ở khu vực ngoài nhà trường".
Về phía giáo viên, trao đổi với Người Đưa Tin, cô Nguyễn Thị Tuyết – Bí thư chi đoàn nhà trường bày tỏ: "Trong các giờ học các thầy cô giáo chủ nhiệm cũng trang bị những kiến thức cần thiết cho các em, xây dựng các chương trình bảo vệ cho học sinh, nhằm tăng cường nhận thức cho học sinh".
Tuy nhiên, mọi giải pháp chỉ nhằm hỗ trợ, điều quan trọng nhà trường mong muốn sớm tiến hành di dời cơ sở này để giảm nguy cơ ảnh hưởng đến các em.
Theo phòng Y tế quận Hà Đông (thuộc UBND quận Hà Đông), trên địa bàn có 2 cơ sở điều trị methadone cho người nghiện đều trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Trong đó, một cơ sở nằm sát Trường THCS Hà Đông đang cấp thuốc điều trị cho khoảng 200 người nghiện, một cơ sở thuộc Trung tâm Y tế quận Hà Đông (phường Phú Lương).
Để đảm bảo công tác quản lý, không làm ảnh hưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là khi Trường THCS Hà Đông đưa vào sử dụng, hồi tháng 4.2023, quận Hà Đông đã kiến nghị Sở Y tế Hà Nội nghiên cứu, có phương án sắp xếp lại cơ sở điều trị methadone cho người nghiện cho phù hợp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức từ cơ quan có thẩm quyền.
Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng có Công văn chỉ đạo về việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma tuý, bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên năm học 2024 – 2025.
Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong năm 2024.
Tổ chức phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy đầu năm học 2024 - 2025, với chủ đề "Trường học không có ma túy".
Tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết với nhà trường: "Không sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy hoặc xúi giục người khác tham gia dưới bất kỳ hình thức nào".
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy cho cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên và các bậc cha mẹ.
Rrọng tâm là tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma túy; các thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ thanh thiếu niên sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và ma túy "núp bóng" các loại thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn qua hệ thống website, phát thanh, mạng xã hội; các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt câu lạc bộ... của nhà trường.
Hữu Thắng - Hoa Trà