Chiều 26/2, ban chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP.Hà Nội, Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 16/2 đến nay đã qua 11 ngày Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới.
Liên quan đến bệnh nhân người Nhật tử vong tại khách sạn (BN 2229), theo thông báo của Bộ trưởng bộ Y tế tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 24/2, chủng virus này thuộc nhóm 20C. Đây là chủng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… Như vậy, nguồn lây nhiễm là do xâm nhập lần đầu, không phải nguồn bệnh sẵn có trong cộng đồng.
Các đơn vị của ngành y tế đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức điều tra, thần tốc truy vết, khoanh vùng và xử lý dịch. Đã phong toả 18 địa điểm liên quan tới các ca mắc tại Hà Nội. Hiện tại còn phong toả 2 điểm, các khu vực này dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 28/2.
Ngày 24/2, Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố đã tổ chức cuộc họp với một số sở, ngành gồm: Đảng uý khối các trường đại học, cao đẳng Thành phố, sở Y tế, Công an Thành phố… để bàn về các vấn đề như thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại, mở cửa các khu di tích lịch sử, các hoạt động kinh doanh và việc giải cứu nông sản.
Ngành y tế tiếp tục thực hiện cách ly chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Hà Nội để chủ động giám sát, phòng chống bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thành phố. Theo nhận định của ông Hạnh, với đặc thù là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, đặc biệt là khi sinh viên trở lại Thành phố học tập nhiều hơn, trong đó có thể có những trường hợp đến từ các tỉnh thành có dịch.
Cùng với việc các chuyên gia tiếp tục được nhập cảnh mặc dù được cách ly 14 ngày nhưng vẫn có nguy cơ có dịch bệnh xâm nhập như trường hợp BN 2229.
Để chủ động cho công tác phòng chống dịch bệnh, ông Hạnh đề nghị sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng giáo dục và các trường trực thuộc khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng chống dịch trong nhà trường trước khi học sinh đi học trở lại.
Sở Công Thương có hướng dẫn cụ thể đối với các địa phương trong việc tổ chức các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là việc giải cứu nông sản thực phẩm từ vùng có dịch đúng quy định, đảm bảo về công tác phòng chống dịch.
Cũng theo ông Hạnh, hiện nay theo chỉ đạo của Thành phố có nhiều đối tượng cần làm xét nghiệm, trong đó có các đối tượng không thuộc diện chỉ định xét nghiệm của bộ Y tế. Trong đó đặc biệt Bộ Tư lệnh cảnh vệ đề nghị làm xét nghiệm cho các lãnh đạo, sĩ quan, cán bộ chiến sĩ… ; cán bộ chiến sĩ bảo vệ mục tiêu tại Trung đoàn 600 với dự kiến lên tới khoảng 800 người và định kỳ làm xét nghiệm 1 lần/tuần. Vì vậy đề nghị Thành phố tạo điều kiện về nguồn kinh phí để làm xét nghiệm.
Hương Huyền Trang