Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội chiều 28/5, riêng trong tháng 5/2024 tổng lượng khách du lịch đến với thủ đô đạt 2,37 triệu lượt, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, lượng khách quốc tế ghi nhận con số ấn tượng với 496.500 lượt. Doanh thu du lịch trong tháng 5 đạt hơn 9.000 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 4/2024, khách du lịch đến Hà Nội cũng tăng ấn tượng với tổng khách đạt 2,52 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 638.000 lượt, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 5 tháng đầu năm tổng thu từ khách du lịch đạt 45.856 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Tiền Phong, dự kiến 6 tháng đầu năm, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 14,05 triệu lượt, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 3,14 triệu lượt, tăng 52,6% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 45.107 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Tuổi Trẻ, trong tháng 5/2025, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn giảm 1,7% so với tháng 4/2024.
Hà Nội hiện có 3.760 cơ sở lưu trú với hơn 71.000 phòng; trong đó có 607 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao; số khách sạn, căn hộ xếp hạng chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 37% tổng số phòng.
Trên địa bàn Hà Nội có 43 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 41 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm, sở đã triển khai ba đoàn kiểm tra, đã kiểm tra 84 tổ chức và 31 cá nhân; phát hiện 8 tổ chức và 10 cá nhân vi phạm. Các cơ sở, cá nhân vi phạm đã bị phạt hành chính.
Trao đổi với VTV, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, năm 2024, du lịch Thủ đô sẽ chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với du lịch, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - văn minh - hiện đại", "Thành phố vì hòa bình"; "Thành phố sáng tạo".
Hà Nội sẽ hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế sẵn có và nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới gắn với lợi thế của từng địa phương như khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô hay phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao…
Sau khi 16 tour đêm đặc sắc Hà Nội được giới thiệu, ngành du lịch Thủ đô đang lên phương án mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội. Đây là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và mô hình văn hóa ẩm thực Vân Đình - Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu tại Trung tâm Thương mại thị trấn Vân Đình (huyện Mỹ Đức) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa).
Gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024
Báo Quân đội Nhân dân dẫn thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2024, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu của năm 2024, khách quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong tổng số gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng qua, khách đến bằng đường hàng không chiếm 83,7%; đường bộ chiếm 14,2% và đường biển đạt chiếm 2,1%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước là nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương đẩy mạnh.
Cũng theo thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng qua ước đạt 296,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 24,2 nghìn tỷ đồng, tăng 45,1%. Doanh thu du lịch lữ hành của một số địa phương tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước gồm Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh...
Minh Hoa (t/h)