Báo Hải Quan đưa tin, UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017- 2020 tầm nhìn 2030".
Theo UBND thành phố thì lộ trình cấm xe máy là cần thiết, nhưng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có tác động đến đời sống, tâm tư, tình cảm của nhiều người dân cũng như các nhóm lợi ích trong xã hội, hiện còn nhiều ý khác nhau nên quá trình triển khai một số nội dung chậm so với yêu cầu.
Tuy nhiên trước bối cảnh các phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, thời gian tới, TP sẽ hoàn thiện đề án Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường và đề án Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Liên quan đến lộ trình thực hiện, theo đại diện UBND TP, hiện Bộ Giao thông vận tải đã giao Vụ Môi trường chủ trì phối hợp với Cục Đăng kiểm và Tổng cục đường Bộ tổ chức nghiên cứu đề xuất quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát chất lượng xe máy hoạt động trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Công an TP cũng đã điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng trên địa bàn thành phố theo năm sản xuất thông qua đăng ký, đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của công an TP, hiện có hơn 5,568 triệu mô tô, tuy nhiên, hồ sơ đăng ký xe mô tô không điền đầy đủ thông tin năm sản xuất phương tiện, gây khó khăn cho thống kê. UBND thành phố chỉ đạo công an thành phố tiếp tục rà soát hồ sơ gốc để thống kê số lượng theo năm để có biện pháp xử lý với xe không đảm bảo.
Theo báo Tiền phong, UBND TP Hà Nội cũng đang xem xét dừng hoạt động xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người và quy định dừng hoạt động đối với xe xích lô trên địa bàn thành phố.
Theo UBND thành phố, xe tải cung ứng thực phẩm, chở hàng cho siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, khách sạn, chỉ được phép hoạt động vào ban đêm. Xe ba bánh phục vụ đi lại của thương binh và người khuyết tật khi tham gia giao thông phải được đăng ký, đề xuất quy định về tiêu chuẩn đăng kiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
“Dừng hoạt động xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người trên địa bàn thành phố. Quy định dừng hoạt động đối với xe xích lô trên địa bàn thành phố”, văn bản nêu.
Văn bản cũng thông tin, Sở GTVT đã có tờ trình, UBND thành phố đã có văn bản giao cho Sở Tư pháp thẩm định, hiện nay Sở Tư pháp đang lấy ý kiến liên ngành để hoàn chỉnh việc thẩm định trình UBND thành phố.
Sở GTVT cũng đã có văn bản ngày 25/3/2019 gửi các sở, ban, ngành, các quận, hiệp hội liên quan xin ý kiến góp ý đánh giá tác động kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến đi lại, kinh doanh, du lịch của dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 06/2013 ngày 25/1/2013.
Hà Nội cũng cho biết, đang triển khai việc xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển việc làm đảm bảo đời sống đối với thương binh có xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người đang hoạt động.
Theo UBND thành phố, đã giao cho Sở GTVT triển khai, Sở đã có báo cáo về việc khảo sát thống kê số lượng xe ba bánh của thương binh, bệnh binh và người khuyết tật và chế độ chính sách ưu đãi, hỗ trợ, gửi các đơn vị liên quan để hoàn thiện báo cáo.
Sở cũng đã tham mưu UBND thành phố có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất cho phép UBND thành phố cùng Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước trong việc chuyển đổi phương tiện, việc làm đối với thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đang sử dụng xe cơ giới ba bánh tự sản xuất, lắp ráp để kinh doanh vận chuyển hàng hóa trên địa bàn thành phố.
Hoàng Mai (tổng hợp)