Sau hơn 9 tháng ở nhà, hơn 400.000 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 12 quận nội thành Hà Nội sẽ được học trực tiếp từ 21/2 (thứ Hai tuần tới).
Đây là quyết định của UBND thành phố Hà Nội ngày 15/2 dựa trên đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Trẻ tiểu học và lớp 6 ở 12 quận nội thành là nhóm học sinh phổ thông cuối cùng ở thủ đô được trở lại trường.
Việc tổ chức học trực tiếp được thực hiện theo nguyên tắc: Chỉ tổ chức dạy trực tiếp tại các địa bàn dịch cấp độ 1 và 2. Theo đánh giá cấp độ dịch công bố tối 11/2, toàn thành phố không có địa bàn cấp độ 3 và 4. Như vậy, toàn bộ 1,6 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội đã được cho phép học trực tiếp, sau hơn 9 tháng ở nhà học trực tuyến. Với khoảng 600.000 trẻ mầm non, thành phố chưa công bố kế hoạch trở lại trường.
Giống như các bậc học khác, lớp 1-6 ở nội thành chỉ học 1 buổi, chưa được tổ chức bán trú khi học trực tiếp. Với phương án dạy học trực tiếp như vậy, nhiều phụ huynh cho rằng họ gặp khó.
Chia sẻ với Tiền Phong, anh Trần Thế An có con là học sinh lớp 3 một trường tư thục ở quận Hai Bà Trưng cho biết, gia đình rất ủng hộ việc học sinh trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến. Tuy nhiên, nếu học trực tiếp chỉ trong buổi sáng, gia đình rất khó để có thể sắp xếp công việc đưa đón 2 con ở 2 trường khác nhau về nhà buổi trưa.
"Sáng đưa con đến trường rồi đến cơ quan chưa được bao lâu lại đến giờ đi đón con về nhà. Lo ăn uống để chiều con tiếp tục học online. Như vậy, cả phụ huynh và con đều rất vất vả, mệt mỏi. Hiện nay, hàng quán đã mở, mọi người đều đi ăn uống. Vậy tại sao lại cấm ăn uống ở trường? Nhà trường chia ca, có tấm kính chắn giữa bàn hoặc đưa về ăn theo lớp sẽ thực hiện được”, anh An nêu ý kiến.
Đọc thông tin các trường ở Hà Nội không tổ chức bán trú khi trẻ đi học trở lại, chị Nguyễn Minh cũng cho rằng điều này gây bất cập, bởi phụ huynh rất vất vả khi đưa đón, chăm sóc.
Mỗi buổi sáng, sau khi đưa con đến trường, chị Minh vội vã đi làm. Ở cơ quan, chị lại thấp thỏm lo đến giờ về đón con. 11h, học sinh tan trường trong khi gần 12h phụ huynh mới được nghỉ trưa.
"Chúng tôi làm sao có thể ngày nào cũng bỏ việc về sớm đón con. Chưa kể, sau khi con về nhà, bố mẹ phải lo cơm nước, nghỉ ngơi để các bé vào học ca chiều online. Xong xuôi, phụ huynh tất bật đi làm", chị Minh bộc bạch với Zing.
Từ quan điểm trên, chị Nguyễn Minh nêu ý kiến trẻ nên được đi học cả ngày và ở bán trú. Còn không, các trường nên tiếp tục triển khai học online thêm. "Việc nhà trường cho trẻ đi học nửa buổi chỉ phù hợp với gia đình có bố, mẹ làm việc tự do, thoải mái thời gian đưa đón con hoặc nhà gần trường, có ông, bà hỗ trợ", chị Minh nói.
Ủng hộ việc ở bán trú, chị Trần Cẩm Hòa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho rằng trẻ đi học một buổi là cách làm làm tăng thêm chi phí cho xã hội.
Có con đang học lớp 1 ở trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), chị Nhã Trâm nhận định nếu phụ huynh lo đưa đón con đi học sẽ không có tâm trạng làm việc, chỉ "nhấp nhổm" đưa, đón con. Khi đó, cuộc sống chưa thể trở về trạng thái bình thường. Việc di chuyển trên đường với xe máy hay xe buýt đều vất vả, thời gian đó nếu ở nhà trẻ sẽ có thêm giấc ngủ trưa.
Về vấn đề tổ chức bán trú cho học sinh, trao đổi với Lao Động, ThS. BS Thiều Thị Tuyết Nhung - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội)- cho rằng, việc nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội mở cửa trường học nhưng không tổ chức ăn bán trú cho học sinh đã gây ra nhiều bất cập.
"Để kiểm soát dịch bệnh ở bếp ăn thì hằng ngày nhân viên nấu ăn cho trường sẽ được test, kiểm tra sức khỏe. Nguồn thực phẩm ở bếp ăn được kiểm soát, bảo đảm nguồn gốc, được nhà trường lên công thức với sự hướng dẫn của các chuyên gia dinh dưỡng thì không có gì phải lo lắng.
Mặt khác, khi học sinh ăn căng tin bán trú sẽ giảm được nguy cơ lây nhiễm hơn là học sinh ra ngoài mua đồ ăn. Theo đó, nhà trường chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như trang bị tấm chắn, ngồi giãn cách, chia ca kíp ăn uống,... sẽ bảo đảm công tác phòng dịch. Vì vậy, Hà Nội nên sớm thay đổi quyết định, cho các trường tổ chức bán trú, cho phép học sinh học cả ngày", bác sĩ Nhung nói.
Trước thực trạng các cơ sở giáo dục bố trí cho học sinh học một buổi/ngày khiến việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đề nghị với những trường có điều kiện bán trú nên tổ chức cho học sinh học bán trú. Bởi theo ý kiến của chuyên gia y tế, nguy cơ lây nhiễm khi học một buổi hay cả ngày cơ bản không khác nhau.
Nhấn mạnh lại quan điểm đưa học sinh trở lại trường cần thận trọng, lấy an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên làm đầu, theo Bộ trưởng cần có sự ứng phó phù hợp để đạt được cả mục tiêu giáo dục và tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm trong công việc để phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội- bày tỏ, Sở GD&ĐT thấu hiểu những khó khăn, bất tiện của phụ huynh khi cho con trở lại trường, đặc biệt là nguyện vọng mở cửa bán trú trở lại. Để bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở GD&ĐT sẽ tính toán kỹ lưỡng các phương án và sớm có lộ trình đề xuất lên UBND thành phố về việc cho phép các trường tổ chức bán trú, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ huynh, học sinh đến trường trong điều kiện bình thường mới.
Theo thông tin trên VnExpress, trong Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 14/2, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu ngành giáo dục và các địa phương chỉ đạo trường học lấy ý kiến của phụ huynh. Sau đó, dựa trên kết quả khảo sát và tình hình dịch trên địa bàn, các quận, huyện, thị xã sẽ quyết định có tổ chức bán trú hay không.
Minh Hoa (t/h)