Vậy là sau nhiều lần lấy ý kiến, soạn thảo, ông Tô Văn Động, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Hà Nội mới đây cho biết, “Bộ quy tắc ứng xử của người Hà Nội” đã được sở này trình Thường trực Thành ủy và dự kiến sẽ sớm được ban hành nhằm xây dựng hình ảnh người thủ đô văn minh, thanh lịch.
Được biết việc ban hành bộ quy tắc này nhằm ngăn chặn thực trạng một bộ phận người dân thủ đô hiện nay thường xuyên có những lời lẽ văng tục và ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng. Như vậy, sau gần hai năm từ khi ý tưởng này được đưa ra với những lần nâng lên, đặt xuống thì rất có thể cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2016, bộ quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng sẽ được thành phố Hà Nội ban hành.
Cụ thể dự thảo bộ khung quy tắc sẽ đưa ra các tiêu chí cụ thể với 6 nhóm đối tượng: Cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư và nơi công cộng. Nó được kỳ vọng như là cẩm nang hướng dẫn nền tảng văn hóa ứng xử, để người dân thủ đô lấy đó điều chỉnh hành vi của mình.
Tất nhiên như mọi tranh cãi trước đây, nhiều người tỏ ra bi quan về tính khả thi của dự án này và thầm mỉa mai cơ quan hữu quan đang “cố đấm ăn xôi”. Và dù cho đích thân ông giám đốc sở này đã lên tiếng khẳng định, việc ban hành bộ quy tắc thực chất nhằm định hướng điều chỉnh hành vi chứ mấu chốt vấn đề vẫn nằm ở ý thức người dân nhưng nghe chừng nhiều người vẫn còn hậm hực lắm.
Họ cho rằng chính sở Văn hóa Thể thao đang tạo vòng bảo vệ cho mình trước những chỉ trích về văn hóa ứng xử của người dân thủ đô ngày càng xấu đi. Và đó chỉ là giải pháp để “phòng cháy” khi có sự việc xảy ra thì những người lãnh đạo có cái mà nói, mà viện dẫn. Nhiều ý kiến nặng nề hơn còn chỉ ra, đó là dấu hiệu cho thấy sự bất lực của những cơ quan quản lý văn hóa trước vấn đề xuống cấp văn hóa ứng xử trong xã hội hiện nay.
Bởi chưa bàn tới ranh giới giữa thanh và tục trong ngôn ngữ giao tiếp của người dân, ngay việc định hướng giúp họ ứng xử đẹp hơn cũng còn rất mơ hồ và mang tính … hên xui. Ai cũng biết, năng lực ứng xử hành vi là biểu hiện phần nào của phông văn hóa con người. Mà văn hóa ứng xử không chỉ được hình thành dựa trên trình độ học vấn mà còn phụ thuộc vào môi trường sống, quan hệ giao tiếp hàng ngày, đặc thù công việc …
Vậy chúng ta định hướng họ thế nào khi ngày ngày họ vẫn hòa mình vào môi trường văn hóa đặc thù ấy?
Vả lại chính những stress phát sinh trong cuộc sống thường nhật có thể khiến những người có văn hóa nhất cũng có thể phát ngôn ra những ngôn từ mất văn hóa. Với nhiều người, văng tục hay chửi thề đôi khi là một cách giải tỏa tâm lý hữu hiệu. Giả sử bộ quy tắc này được thực thi thì liệu người dân có chịu "uốn lưỡi bảy lần" mỗi khi phát ngôn hay tất cả chỉ giống như tiếng trống chầu rơi tõm vào thinh không của sự im lặng?
Nói như vậy không phải người viết cổ súy cho những ngôn từ, hình ảnh phản cảm đang ngày càng gia tăng trong cuộc sống ở thủ đô, càng không có ý chê trách gì những cơ quan hữu quan “thừa giấy vẽ voi”. Nhưng cái gì cũng vậy, biết mình biết ta mới là cao kế.
Thay đổi hành vi của một cộng đồng không dễ và cần có sự tổng hòa nhiều yếu tố như: nâng cao trình độ nhận thức người dân, cải thiện môi trường văn hóa, khuyến khích văn hóa đọc … Người viết cho rằng, khó có thể định hướng hành vi của một cộng đồng thông qua những hướng dẫn văn bản. Nếu biết khó hoặc không khả thi thì tại sao chúng ta không tìm hướng khác? Cố chấp làm gì để vừa tốn giấy mà vừa nhận phải những lời chê?
Phạm Văn