Ngày 19/2, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022. Thí sinh sẽ được tăng số nguyện vọng đăng ký và giảm điểm chênh lệch giữa các nguyện vọng.
Theo đó, năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên, trong đó nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú. Nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Các thí sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Trong mùa tuyển sinh năm nay, điểm chênh lệch giữa các nguyện vọng 1 và 2 là 1 điểm, giảm 0,5 điểm so với quy định cũ. Điểm chênh lệch giữa nguyện vọng 1 và 3 là 2 điểm. Lưu ý, khi hạ điểm chuẩn, trường được nhận học sinh có nguyện vọng 2 và 3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Theo dự kiến, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022 sẽ được tổ chức vào ngày 29-30/5/2021. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả trường THPT công lập.
Kỳ thi gồm 4 bài thi độc lập của các môn học: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn thi thứ tư. Trong đó, bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.
Với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh có thể tự chọn một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Đặc biệt, thí sinh còn có thể đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường THCS.
Dự kiến, sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố bài thi môn thứ tư vào tháng 3/2021.
Trước đó, khi diễn biến dịch Covid-19 đã có những dấu hiệu phức tạp trở lại, giáo viên và học sinh Hà Nội phải tiếp tục dạy và học online, nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay “sốt sắng” mong thành phố sẽ bỏ môn thi thứ tư.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Đại (Phó Giám đốc phụ trách sở GD&ĐT Hà Nội) cho rằng, không phải vì dịch bệnh Covid-19 mà phải giảm số môn, bởi chương trình học vẫn vậy và việc dạy học trực tuyến được tổ chức và có kiểm soát chất lượng.
Về hình thức thi, các bài thi môn Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận (thời gian làm bài: 120 phút/môn). Bài thi môn Ngoại ngữ và bài thi môn thứ tư, theo hình thức trắc nghiệm khách quan, có nhiều mã đề trong một phòng thi, (thời gian làm bài 60 phút/môn).
Đề thi các môn gồm câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành của bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Điểm xét tuyển = (Điểm bài thi môn Toán + Điểm bài thi môn Ngữ văn) x 2 + (Điểm bài thi môn Ngoại ngữ + Điểm bài thi môn thứ tư) + Điểm ưu tiên.
Trong đó, điểm các bài thi tính theo thang điểm 10.
Đối với một số trường trên địa bàn, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 sẽ có 2 vòng thi. Vòng thứ nhất (sơ tuyển đối với những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ dự tuyển hợp lệ); vòng thứ hai (thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển vòng thứu nhất). Điểm xét tuyển = Tổng điểm các bài thi không chuyên (hệ số 1) + Điểm bài thi chuyên (hệ số 2).
Trước đó, sở GD&ĐT Hà Nội đã gửi văn bản tới thủ trưởng các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp chuyên nghiệp và trường cao đẳng trên địa bàn TP.Hà Nội, hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện để tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. Cụ thể, các đơn vị, nhà trường phải thực hiện “ba công khai”, bao gồm: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; Công khai thu - chi tài chính.
Mỗi năm, Hà Nội sẽ có khoảng 100.000 học sinh đăng ký dự thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Những học sinh không đỗ vào lớp 10 THPT công lập sẽ học các trường công lập tự chủ, trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.