Như Người Đưa Tin đã thông tin, tình trạng lấn chiếm đất công, san gạt tạo mặt bằng rồi phân lô xây các khu lăng mộ và mộ chờ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội đang có diễn biến hết sức phức tạp theo chiều hướng gia tăng.
Một số vị trí trước đây là bãi đất trống nhưng chỉ một thời gian ngắn, những khu đất này đã được một số cá nhân tập kết vật liệu, tạo mặt bằng và tiến hành xây quây thành các ô đất có diện tích từ vài mét đến hàng chục mét và được bê tông hóa ngay sau đó.
Những hình ảnh PV ghi nhận vào tháng 11/2023 và tháng 4/2024 thể hiện, các khu đất ở đây có nhiều thay đổi rõ rệt. Việc các cơ quan chức năng dù đã được cảnh báo nhưng chưa kịp thời ngăn chặn những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật khiến dư luận cho rằng, phía UBND xã Kim Chung đang có dấu hiệu buông lỏng trong công tác quản lý đất công thổ Quốc gia.
Để làm rõ những thông tin trên tới bạn đọc, PV Người Đưa Tin đã có buổi làm việc với lãnh đạo và cán bộ UBND xã Kim Chung.
Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Vân Huyền, Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết, thông qua Người Đưa Tin, phía xã đã nắm bắt được tình hình và kịp thời đưa ra biện pháp phù hợp. Xã đã kiểm tra xác minh vi phạm trật tự xây dựng mộ chôn cất tại nghĩa trang và ngăn chặn các trường hợp vi phạm mới.
Bà Huyền chia sẻ thêm, hiện địa bàn xã dân cư rất đông nhưng chỉ có 1 nghĩa trang, phía UBND xã đã có báo cáo đề xuất xin cải tạo mở rộng nghĩa trang trên. Hiện nay toàn bộ diện tích vi phạm mà Người Đưa Tin thông tin đều nằm trong phạm vi dự án, nếu được thông qua thì sẽ triển khai dự án và chấm dứt vi phạm hiện nay như báo chí nêu.
PV thắc mắc dân cư đông mà nhiều cá nhân lại ngang nhiên xây hàng loạt lăng mộ chờ chưa sử dụng, trong khi nhiều gia đình có nhu cầu an táng người thân lại không có đất. Ngoài ra, PV cũng mong muốn phía xã cung cấp tài liệu liên quan đến việc ngăn chặn và báo cáo gửi các cơ quan chức năng việc mở rộng cải tạo nghĩa trang. Tuy nhiên, câu hỏi mà PV đưa ra không được phía xã Kim Chung trả lời rõ ràng và cung cấp tài liệu liên quan.
PV đặt câu hỏi về công tác quản lý địa bàn, xử lý ngăn chặn vi phạm của UBND xã trước tình trạng nhiều lăng mộ hay các ngôi mộ chờ mới được hình thành gần đây, một cán bộ xã thông tin, từ 2023, UBND xã đã kiểm tra. Đối với những trường hợp xây ô chờ, UBND xã đã cương quyết xử lý ngay. Một số vị trí đất có tường bao quanh trước đó họ chỉ cải tạo ốp đá lên, thành hình như bây giờ. Về vị trí PV phản ánh khu vực nghĩa trang cuối năm 2023 đầu năm 2024, loạt vị trí lăng mộ và mộ chờ được xây mới, vị cán bộ này cho biết qua công tác kiểm tra chưa nắm được.
Bà Lê Thị Vân Huyền chia sẻ, việc buông lỏng công tác quản lý dẫn đến một vài vị trí lăng mộ đã có người an táng khiến việc xử lý hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Xã sẽ xây dựng kế hoạch xử lý theo quy định chứ không “một nhát ăn ngay” được.
Khi PV đặt vấn đề về việc, một người đàn ông tên Bính được cho là quản trang có dấu hiệu xây dựng trái phép một số công trình tại nghĩa trang xã Kim Chung. Nguồn gốc đất người này đang sử dụng tại nghĩa trang cũng đang có dấu hiệu sử dụng đất công trái phép. Đại diện UBND xã Kim Chung cho biết, diện tích đất ông Bính đang sử dụng là đất công, việc sử dụng đất này đã diễn ra nhiều năm. UBND xã cũng thừa nhận chưa cho thuê hay thực hiện đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng số đất trên, tuy nhiên trong thời gian tới sẽ thực hiện việc này.
Qua nội dung trên, một lần nữa cho thấy việc người dân phản ánh công tác quản lý đất đai, TTXD của cán bộ chuyên môn và lãnh đạo UBND xã Kim Chung có dấu hiệu đang bị buông lỏng.
Liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý, một cán bộ xã thẳng thắn cho biết, để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về UBND xã Kim Chung. Trong thời gian tới, xã sẽ thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, trong đó có rào tôn quanh khu vực trên để không phát sinh vi phạm mới và rà soát toàn bộ khu vực trên để nắm rõ những trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, sau khi bài viết “Hà Nội: Cần làm rõ việc chiếm đất công phân lô xây mộ” được đăng tải, dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng huyện Đông Anh và TP Hà Nội cần nhanh chóng vào cuộc ngăn chặn xử lý nghiêm vi phạm và tháo gỡ đối với những trường hợp đã “trót” án táng người thân tại khu vực nằm ngoài ranh giới nghĩa trang, làm rõ trách nhiệm của các cán bộ có liên quan tại thời điểm xảy ra vi phạm.
Với tình trạng lấn chiếm đất công tại xã Kim Chung có thể thấy, UBND xã Kim Chung đang có dấu hiệu làm trái Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội” của Ban thường vụ Thành uỷ TP Hà Nội nói riêng và pháp luật về đất đai nói chung.
Đề nghị UBND Tp Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Đông Anh, Công an TP Hà Nội vào cuộc làm rõ tình trạng lấn chiếm đất công tại xã Kim Chung và những dấu hiệu vi phạm tại đây.
Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin.
Quy trình xử lý lấn chiếm đất công
Việc lấn chiếm đất công để sử dụng là vấn đề diễn ra khá phổ biến hiện nay, tuy nhiên về việc xử lý hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và chưa giải quyết được triệt để nên vấn đề này vẫn xảy ra ở nhiều nơi, do đó để khắc phục tình trạng lấn chiếm đất thì các cấp có thẩm quyền cần phải xử lý nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với hành vi lấn, chiếm đất công sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy từng mức độ, tính chất nguy hiểm của hành vi.
Theo quy định việc xử lý lấn chiếm đất công được thực hiện theo quy trình như sau:
- Tại thời điểm phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Việc buộc chấm dứt được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.
- Lập biên bản về vi phạm hành chính
- Xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.
- Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính, đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 1 tháng.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có).
Mức xử phạt vi phạm hành vi lấn chiếm đất công
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP
Trường hợp lấn chiếm đất công thì mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức theo quy định tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra có hành vi lấn chiếm đất công còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn, chiếm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lấn chiếm đất của Nhà nước.