Hà Nội: Vì đâu cây sưa trăm tỷ ‘mặc áo giáp sắt’ chết dần?

Hà Nội: Vì đâu cây sưa trăm tỷ ‘mặc áo giáp sắt’ chết dần?

Nguyễn Văn Báo

Nguyễn Văn Báo

Thứ 4, 05/04/2017 17:45

Cây sưa đỏ có tuổi đời ước tính trên 130 năm được “mặc áo giáp sắt” chống trộm ở chùa làng Phụ Chính (Chương Mỹ - Hà Nội) đang có hiện tượng chết dần.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 1 tiếng đồng hồ đi xe máy, làng Phụ Chính (xã Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) mang nhiều nét cổ kính với những gốc cây cổ thụ tỏa bóng mát ven đường. Xa xa là những ngôi nhà ngói cổ, mái chùa thấp thoáng mang nét văn hóa làng quê truyền thống.

Nằm đối diện với UBND xã Hòa Chính, chùa làng Phụ Chính từ lâu được nhiều người biết đến bởi nơi đây có 2 cây sưa quý được ví như những “khối vàng ròng lộ thiên” mà dân làng bảo vệ nghiêm ngặt. Thậm chí, có cây sưa lớn, tuổi đời trên 130 năm còn được người dân “mặc áo giáp sắt” chống trộm.

Xã hội - Hà Nội: Vì đâu cây sưa trăm tỷ ‘mặc áo giáp sắt’ chết dần?

Cây sưa đỏ ở chùa làng Phụ Chính (Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) được bảo vệ bằng "áo giáp sắt" (Ảnh: Nhất Nam).

Hai cây sưa trong chùa làng Phụ Chính có thân hình khá to, đứng sừng sững trước cổng chùa như những ông hộ pháp. Trong đó, cây sưa tuổi đời trên 130 năm là loại sưa đỏ quý hiếm.

Cây sưa quý này có 2 nhánh lớn, tuy nhiên, 1 nhánh đã bị gãy đổ và được bán theo hình thức đấu giá cho một đại gia gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ đồng vào năm 2010. Vụ mua bán đã gây nên những lùm xùm trong một thời gian dài.

Theo tìm hiểu, khi xe chở số gỗ trên vừa ra khỏi địa phận xã Hòa Chính, sang xã Đồng Phú thì bị Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ. Đến năm 2015, số gỗ sưa bị tạm giữ được bán đấu giá thu về số tiền hơn 31 tỷ đồng. Thế nhưng cho đến nay, nhiều người dân địa phương vẫn chưa đồng tình và vụ việc đang được giải quyết.

Xã hội - Hà Nội: Vì đâu cây sưa trăm tỷ ‘mặc áo giáp sắt’ chết dần? (Hình 2).

Phần gốc cây sưa bị khô, bong tróc vỏ, xuất hiện các lỗ mọt (Ảnh: Nhất Nam).

Trong khi vụ mua bán sưa kể trên chưa giải quyết xong thì đến thời điểm hiện tại, cây sưa đỏ này đã có hiện tượng khô một phần gốc (phía nhánh cây bị đổ bán đấu giá – PV) làm nhiều người dân địa phương lo lắng.

Nhiều người cho rằng, nếu cứ để tình trạng này thì chỉ một vài năm nữa, khối "vàng lộ thiên" của làng sẽ chỉ còn là mấy thanh củi để đun.

Xót xa nhìn gốc sưa khô đi từng ngày mà không biết làm thế nào, thầy trụ trì chùa làng Phụ Chính cho biết: “Người dân trong thôn chúng tôi chỉ mong mỏi sự việc được giải quyết, số gỗ sưa còn lại được mang bán đấu giá lấy tiền để tu bổ chùa cũng như xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương”.

Một người dân trong thôn cũng bày tỏ: “Vừa qua, chúng tôi nghe tin tức, ở Bắc Ninh cũng bán 1 cây sưa và chia tiền cho người dân nhưng chúng tôi không cần chia tiền mà chỉ mong cây được bán để dùng tiền tu bổ công trình phúc lợi, nhỡ cây chết khô thì lãng phí”. 

Xã hội - Hà Nội: Vì đâu cây sưa trăm tỷ ‘mặc áo giáp sắt’ chết dần? (Hình 3).

Phần nhánh cây bị cưa có lỗ rộng và các vết rạn nứt xung quanh (Ảnh: Nhất Nam).

Theo quan sát của PV vào sáng 5/4, toàn bộ từ phần gốc đến thân của cây sưa đỏ được bảo vệ bằng những thanh sắt to cỡ phi 16. Cây có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm. Hiện nay, phần gốc cây xuất hiện nhiều vết nứt, dọc phần nhánh cây bị cắt gần như đã khô và bong tróc vỏ.

Bên cạnh đó, cây sưa nhỏ hơn cũng được bảo vệ bằng những dây thép gai. Cây cao khoảng 20m, đường kính cỡ 1 người ôm, thân cây cũng xuất hiện 1 lỗ rỗng lớn.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về hiện tượng cây sưa đỏ bị chết dần, ông Vũ Văn Tuyến – Trưởng thôn Phụ Chính cho biết: “Sau khi nhánh cây bị cắt từ năm 2010, cây có hiện tượng hoại tử và bị khô dần”.

Theo ông Tuyến, cơ quan chức năng cho hay cây sưa này có tuổi đời trên 130 năm. Vị Trưởng thôn Phụ Chính cũng cho biết, có thời điểm, cây sưa đỏ được trả giá đến trên 100 tỷ đồng. 

Xã hội - Hà Nội: Vì đâu cây sưa trăm tỷ ‘mặc áo giáp sắt’ chết dần? (Hình 4).

Thân cây được bao kín bởi những thanh sắt phi 16 (Ảnh: Nhất Nam).

“Nguyện vọng của người dân hiện nay là được bán cây sưa để tu bổ các công trình phúc lợi. Chúng tôi cũng đã đề bạt nguyện vọng này lên xã từ năm ngoái”, ông Tuyến thông tin.

Cũng theo ông Tuyến, mặc dù phần cây sưa từng được bán với giá 20,5 tỷ đồng vào năm 2010, nhưng sau khi bị thu đến năm 2015, phần gỗ này được bán đấu giá 31 tỷ đồng. Sau nhiều năm dân làng đi khiếu nại, vừa qua, cơ quan chức năng của bộ Công an đã về thu thập các thông tin, làm việc với chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm về số tiền bán gỗ cây sưa này.

Về công tác bảo vệ cây sưa, một cán bộ Công an xã Hòa Chính cho biết, ngoài việc cây được rào bằng những thanh sắt lớn thì lâu nay đơn vị vẫn thường xuyên cử lực lượng đi tuần cũng như bảo vệ cây sưa, đảm bảo an ninh trật tự trong địa bàn. 

Nhất Nam

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.