Sáng 29/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023.
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy việc phát triển những đô thị thông minh và bền vững, là cơ hội lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia và doanh nghiệp về xây dựng thành phố Hà Nội thông minh cũng như thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin Hà Nội và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội có rất nhiều lợi thế quan trọng, tuy nhiên cũng cần giải quyết rất nhiều bài toán khó trong việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; giữa đô thị hóa, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân...
Theo Chủ tịch Hà Nội, một thành phố phát triển bền vững là thành phố phát triển với mọi tiện ích thông minh, được thể hiện thông qua những lựa chọn “thông minh”, giải pháp “thông minh”, công nghệ “thông minh”. Hà Nội đang có nhiều câu hỏi về thực trạng xây dựng và phát triển thành phố thông minh của Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước; chính sách nào cần được khuyến nghị cho quá trình xây dựng thành phố thông minh bền vững của không chỉ Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố khác để cùng nghiên cứu, tham khảo...
Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cũng bày tỏ hi vọng Hội nghị với chủ đề “Khai thác dữ liệu – Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững” và 3 nhóm hội thảo chuyên đề với các nội dung: Chính quyền, Người dân và Doanh nghiệp; Công nghệ, Dữ liệu và Kết nối; Hợp tác và Phát triển sẽ chia sẻ những khuyến nghị, kinh nghiệm và bài học thực tiễn thực sự bổ ích, qua đó giúp thành phố Hà Nội lựa chọn và tận dụng tốt hơn cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, an toàn, phát triển nhanh và bền vững…
Tại Hội nghị, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA chia sẻ hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023 được tổ chức vào thời điểm Việt Nam có nhiều nguồn lực để tỏa sáng và Hà Nội sẽ là điểm sáng nhất trong xây dựng hệ thống sinh thái về trí tuệ nhân tạo và chíp.
Trên cơ sở đó, Thành phố thông minh là nhân tố quyết định và Hà Nội là Thủ đô có vai trò dẫn dắt các địa phương khác trong tăng trưởng xanh, công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo và bán dẫn. Để làm được điều này Hà Nội phải có cơ chế đặc thù, chính sách vượt trội để thực hiện các nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Hà Nội cần đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực mới.
“Hà Nội không phải chỉ là Thành phố thông minh cho chính mình mà phải là thành phố để sáng tạo ra cả phần cứng, phần mềm, nhân lực để làm cho các thành phố trong khu vực , dẫn dắt đi đầu trong chuyển đổi xanh. Đây là điều kiện thiết yếu để gia nhập công nghệ bán dẫn, tạo ra cơ hội để cho các công ty công nghệ thông tin có nhiều cơ hội để phát triển”, Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA đề nghị.
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, phát triển đô thị thông minh là một quá trình liên tục và lâu dài, do vậy cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Cũng giống như chuyển đổi số, đó là sự thay đổi về tư duy và nhận thức nhiều hơn. Phát triển đô thị thông minh chính là xây dựng một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả dựa trên việc ứng dụng các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo, không phải một tập hợp rời rạc các hệ thống, ứng dụng của các cơ quan chuyên môn do các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau.
"Cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế -xã hội khác. Một hạ tầng thông tin mạnh, thống nhất và an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị", ông Dũng nói.