Xin hạ đê sông Hồng mở đường giao thông
UBND TP.Hà Nội vừa đề nghị bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thỏa thuận phương án thiết kế dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương nối đường đường Thanh Niên, kết hợp điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ Khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.
Cụ thể, Hà Nội đề nghị bộ NN&PTNT thống nhất phương án cho hạ cao trình mặt đê tại đoạn từ Km62+500 đến Km63+600 đến cao độ dương 12,4m. Đồng thời cho rằng, với cao độ hạ đê đất đến dương 12,4m, mặt đường Nghi Tàm sau khi cải tạo sẽ tương ứng với cao độ đường gom dân sinh và hai bên nhà dân, rất thuận lợi cho người dân khu vực dọc tuyến đường tiếp cận ra, vào đường Nghi Tàm một cách an toàn, cũng như để tổ chức giao thông các điểm quay đầu.
“Phương án này sẽ mở rộng được mặt cắt ngang đường Nghi Tàm thêm một làn xe và bố trí tăng được bề rộng của cầu vượt trực thông, tạo được cảnh quan đô thị cho tuyến phố”, công văn của UBND TP.Hà Nội đề cập.
Theo đó, phương án thiết kế này tương tự như giải pháp đã áp dụng thực hiện đối với đoạn đê hữu Hồng phía hạ lưu từ Km63+600 đến Km65+129 và từ khi đưa đoạn đê này vào khai thác (năm 2000) đến nay vẫn đảm bảo an toàn đê điều, mỹ quan đô thị và thuận lợi cho tổ chức giao thông.
Để bảo đảm an toàn thoát lũ khi hạ độ cao đoạn đê này, đề xuất của UBND TP.Hà Nội lý giải, hiện thượng nguồn sông Hồng đã xây dựng một số đập thủy điện, các đập này có chức năng điều tiết lưu lượng nước, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng.
TP.Hà Nội nghiên cứu xây dựng tuyến đường chạy ven sông, tuyến đường này sẽ tham gia hỗ trợ phòng chống lũ cho tuyến đê bờ hữu sông Hồng. Có thể xem xét hạ cao trình mặt đê để phục vụ giao thông cho TP.
Vị trí mở đê có địa thế trọng yếu?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về đề xuất này, nguyên Cục trưởng cục Đê điều & Phòng chống lụt bão (bộ NN&PTNT) Nguyễn Ty Niên bày tỏ sự lo lắng khi cho rằng, vị trí đê được đề xuất hạ thấp là vị trí trọng yếu đối với cả thủy lợi và ý nghĩa phong thủy.
“Tôi không biết việc xây dựng sẽ đẹp thế nào nhưng tôi nghĩ địa điểm đó không quyết liệt về giao thông đến mức phải hạ đê. Tuy nhiên, đây là điểm đê trọng yếu với vị trí một bên là sông Hồng, một bên là hồ Tây. Ngày xưa, lũ lên là ở hồ Tây vẫn xuất hiện mạch sủi, mạch đùn. Hơn nữa, sau lưng đê là những địa điểm quan trọng, nếu lỡ có chuyện gì xảy ra thì… Tôi cùng nhiều chuyên gia thật sự không an tâm”, ông Niên nói.
Cũng theo nguyên Cục trưởng cục Đê điều & Phòng chống lụt bão, tại buổi xin ý kiến của các chuyên gia xung quanh việc hạ đê được Hà Nội tiến hành cách đây vài tháng có sự tham gia của ông, bản thân ông cùng một số chuyên gia đã không đồng tình.
Về lý do được Hà Nội đưa ra là thượng nguồn đã xây dựng một số đập thủy điện có chức năng điều tiết lưu lượng nước, hạn chế tối đa các nguy cơ gây lũ lụt trên sông Hồng, ông Niên nhấn mạnh: “Thời tiết, thiên nhiên là điều không thể đoán trước và không thể vì lý do những năm gần đây sông Hồng không có lũ lụt mà chủ quan”.
Trong khi đó, TS. Đào Trọng Tứ - Cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông cho rằng, đề xuất của Hà Nội hợp lý và hoàn toàn có thể thực hiện được.
“Nếu làm giống như đoạn đê Yên Phụ, Trần Quang Khải, giống đường gốm sứ thì cũng hoàn toàn hợp lý và việc hạ như thế không ảnh hưởng nhiều”, TS. Đào Trọng Tứ nhận định.
TS. Tứ cho rằng: “Hiện nay, vấn đề lũ lụt đã có những thay đổi và khi cải tạo mà vẫn đảm bảo được an toàn, tiêu chuẩn chống lũ thì nên làm. Còn về lý do phía thượng nguồn có các đập thủy điện có thể hạn chế lũ thì không đúng. Nếu vin như thế thì các nơi khác cũng hạ được đê”.
Trong văn bản số 10309/BNN-TCTL do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng ký trả lời đề xuất của Hà Nội, bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đồng ý với nội dung điều chỉnh kết cấu đoạn đê kể trên, thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L, đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị. Đi kèm đó, Bộ cũng đồng ý việc mở rộng cửa khẩu An Dương từ 2 khoang lên 3 khoang và xây dựng mới 3 cửa khẩu để thay thế các dốc lên đê hiện có (tại các ngõ 108; 276 và 310 Nghi Tàm), kích thước 2x4m. Điều chỉnh phương án thiết kế cầu vượt tại nút giao thông đường An Dương - Thanh Niên với bề rộng mặt cầu từ 9m lên 10m, chiều dài cầu được điều chỉnh để nối tiếp phù hợp với mặt đường giao thông trên đê thiết kế. |
Nhất Nam