“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”
Con đường nhỏ ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng – Hà Nội) dẫn chúng tôi vào khu xóm trọ tồi tàn, lụp xụp của những bệnh nhân bị suy thận hiện đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Nơi đây là chỗ ở của hơn một trăm bệnh nhân thường xuyên phải đi chạy thận. Có tận mắt chứng kiến chúng tôi mới biết được rằng ở giữa lòng thủ đô phồn hoa vẫn còn tồn tại những mảnh đời thật khốn khổ.
Khu trọ chật chội, ẩm thấp của xóm chạy thận |
Trong căn phòng trọ tối tăm, ẩm thấp và chưa đầy 10m2, bác Nguyễn Thị Sự (Bắc Giang) chia sẻ: “Tôi đi chạy thận đã hơn một năm nay rồi, nói chung là tốn kém lắm. Giờ lại cái gì cũng tăng giá, chi phí điều trị của chúng tôi cũng vì thế mà tăng lên không ít. Nỗi lo lại chồng chất nỗi lo”. Gia đình bác chỉ còn bác với cậu con trai đang học đại học Mỏ, tất cả chi phí điều trị và chi phí học tập cho cả cậu con trai đều trông chờ vào hai triệu lương hưu của bác. “Dù bị bệnh nhưng cũng có dám mua nhiều thứ để bồi dưỡng đâu, bởi vì còn phải tằn tiện để cho em nó ăn học. Ngày trước đã tiết kiệm, giờ càng phải thắt lưng buộc bụng hơn” – bác tâm sự.
Cách phòng trọ của bác Sự một phòng là nơi ở của anh Tuấn ở Nam Định – người đã chạy thận được gần 8 năm nay. Bố anh mất sớm, mẹ thì già yếu, vợ con cũng chưa có nên để có chi phí điều trị cho căn bệnh của mình, ngoài những lúc đi chạy thận, anh tranh thủ đi xe ôm kiếm thêm chút tiền. Cũng có lúc trái gió trở trời, sức khỏe yếu không đi được, anh phải nằm nghỉ trong căn phòng trọ chật chội của mình. “Bây giờ sức khỏe yếu rồi, tôi đã mất đến 80% sức khỏe, thế nên để tìm được một công việc ổn định là rất khó, tôi chỉ có thể tranh thủ làm những công việc tạm bợ thôi, đỡ được chút nào hay chút ấy mà”.
Mọi người ở đây đến từ các tỉnh thành khác nhau, họ gặp nhau, cảm thông cho nhau và cùng đùm bọc nhau sống qua ngày. “Mọi người ở đây đoàn kết và yêu thương nhau lắm, chỉ tội chúng tôi nghèo khổ quá, nên chỉ có thể giúp đỡ nhau về mặt tinh thần thôi” – bác Sự nghẹn ngào.
Còn vợ chồng anh Hải, chị Nguyệt cũng gặp không ít khó khăn trong suốt quá trình chạy thận của anh. Anh Hải chạy thận đã 11 năm nay, tốn kém không biết bao nhiêu chi phí, tiền của. Để chăm anh, chị phải gửi con nhỏ ở quê Thái Bình cho ông bà ngoại nuôi, còn mình lên đây chạy vạy đủ công việc để có tiền chữa bệnh cho chồng. Sáng chị đi bán trứng vịt lộn cho các bệnh nhân trong bệnh viện, mỗi buổi cũng được 40 – 50 nghìn đồng, chiều thì lại nhận việc gì đó làm thêm. Còn anh cũng tranh thủ những khi khỏe mạnh đi xe ôm kiếm tiền, đỡ đần được vợ chút nào hay chút ấy. Chi phí điều trị của anh, chi phí ăn ở của cả hai vợ chồng mỗi tháng cũng ngót nghét 7 - 8 triệu đồng, càng ngày cuộc sống lại càng thêm khó khăn, anh chị có lẽ suy nghĩ nhiều quá nên trông ai cũng gầy gò, yếu ớt.
Nỗi lo chồng chất nỗi lo…
Ngày trước, cuộc sống của những bệnh nhân ở xóm chạy thận đã gặp muôn phần khó khăn vì phải lo đủ các loại chi phí từ thuốc men, ăn ở, viện phí… Nhưng từ khi giá cả leo thang, các mặt hàng đua nhau tăng giá thì cuộc sống của những “cư dân” nơi đây lại khó khăn hơn gấp bội phần. Bác Sự cho biết: “Giá phòng trọ ở đây đầu tiên có 800 nghìn đồng/ tháng chưa kể điện nước, nhưng qua ba lần tăng giá thì nay đã tăng lên 1,2 triệu đồng / tháng. Tiền thuốc cũng bắt đầu tăng giá. Trước tôi mua một hộp thuốc Betaloc 50mg điều trị huyết áp giá 135 nghìn đồng, nay đã lên 150 nghìn rồi. Bây giờ mỗi lần đi mua thuốc phải hết 700 – 800 nghìn đồng”. Những người ở đây đều có hoàn cảnh rất khó khăn, thế nên dù phòng trọ chật hẹp, họ cũng cố ở ghép hai người một phòng để đỡ tiền phòng, ăn uống chung để tiết kiệm hơn.
Mỗi tuần, bệnh nhân ở đây phải đi chạy thận 3 lần, mỗi lần mất ba tiếng rưỡi, thế nên họ rất ít khi được về nhà, Tết có khi chỉ tranh thủ về được một ngày là phải xuống bệnh viện ngay. Bác Nhữ Đình Mây (Thanh Hóa) chạy thận đã 7 năm nay chia sẻ: “Căn bệnh của chúng tôi muốn sống được thì phải bám vào bệnh viện. Nó như là người nghiện vậy, đến thời gian chạy thận mà không đi là không chịu được. Người thì mệt mỏi, huyết áp tăng cao, khó thở, thế nên chúng tôi phải thuê nhà sống gần đây tiện cho việc đi lại và điều trị”.
Cô Thiết (Phúc Thọ - Hà Nội) cũng là một “cư dân” của xóm chạy thận bùi ngùi tâm sự: “Thời gian đầu, gia đình người thân cũng hay xuống thăm nom, nhưng rồi dần dần họ cũng ít xuống, vì ai cũng phải lo làm ăn kiếm tiền mà. Chúng tôi ở đây chủ yếu là sống dựa vào nhau thôi, phải tranh thủ kiếm vài công việc như bán nước, bán vé số để kiếm thêm, chứ cứ trông chờ vào gia đình thì cũng khó khăn lắm, vì gia đình ở quê cũng chỉ làm nông thôi mà, lấy đâu ra nhiều tiền để gửi lên. Mà bây giờ cái gì cũng tăng đều đều, điện tăng, xăng tăng, ga tăng, thuốc cũng tăng… Ngày trước còn hay nấu cơm bằng bếp ga, bếp điện cho tiện, giờ lại chuyển sang nấu bằng bếp than tổ ong thôi, biết là độc hại nhưng vì tiền có hạn nên chúng tôi cũng đành chấp nhận”.
Nhiều nỗi lo góp lại làm cho gương mặt họ thêm phần héo hắt, xóm trọ vốn ảm đạm nay lại càng thấy lạnh lẽo hơn. Rời xóm trọ của khu chạy thận, chúng tôi ra về. Nhưng không hiểu sao vẫn thấy lòng mình nặng trĩu…
Hoài Thu