Hà Nội xưa trong trái tim người Việt

Hà Nội xưa trong trái tim người Việt

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Đồng Tâm xa xưa như cái mụn vá vào đuôi chiếc áo Hà thành hoa lệ bự phấn son, không có tên trong bản đồ địa chính.

Bước sang năm đầu của thiên niên kỷ thứ 3, phố Đồng Tâm tròn 50 tuổi. Tôi sống trên đất Hà Nội đã trên 60 năm, cũng có theo gia đình dịch chuyển từ phố này sang phố khác song Đồng Tâm là phố tôi gắn bó thân thương nhất.

Pháp luật - Hà Nội xưa trong trái tim người ViệtHà Nội xưa vẫn còn lưu luyến trái tim của bao người dân Việt

Con phố nhỏ hình thành từ năm 1052, lúc Hà Nội còn bị thực dân Pháp tạm chiếm đóng. Nằm bám vào ven đường quốc lộ, con phố hiu hắt như một xóm nghèo, giữa một vùng ngoại ô hoang vắng.

Toàn nhà tranh vách đất, lác đác vài ngôi nhà gạch lợp mái tôn đã là oai lắm. Bên kia đường, đối diện con phố là bệnh viện Bạch Mai, đầu phố giáp với nghĩa địa chôn lính Tây, cỏ hoang mọc lút các cây thánh giá trên các ngôi mộ. Đi ngược, đường hoang vu heo hút lên Ô Đồng Tâm, Hồ Bảy Mẫu, đi xuôi cũng lạnh tanh xuống ngã tư nơi có ga Vọng bé nhỏ buồn thiu.

Thuở ấy, mới xuống ở, có cảm giác con phố sao mà giống cái phố, huyện nghèo trong truyện ngắn của Thạch Lam, nhất là về đêm khi có những chuyến xe lửa rầm rầm chạy qua.

Tuổi thơ tôi thấm mưa buồn phố lạnh. Nơi có căn nhà mái tôn che chở chúng tôi thở hàn vi. Nơi có cây bàng trước cửa, đến mùa trái chín vàng rộp, tụi nhỏ quanh ngõ suốt ngày chọc ngoáy, leo trèo chia nhau những quả bàng ngọt sớt, lấy đá ghè lấy nhan nhai bùi như lạc. Nơi đầu dốc có những chiếc máy nước công cộng suốt ngày từ mờ sáng đến tận khuya lanh canh tiếng thùng hứng nước.

Lòng trẻ vui theo niềm vui của phố. Đồng Tâm xa xưa như cái mụn vá vào đuôi chiếc áo Hà thành hoa lệ bự phấn son, không có tên trong bản đồ địa chính. Hòa bình về, dân lam lũ ngẩng cao đầu nhận ra mình. Đồng Tâm có khối phố, có lớp học bình dân, có họp hành văn nghệ, có đội bóng. Phố tôi đã biến tôi từ chú bé nhút nhát thành cây văn nghệ, thành chân sút cừ khôi. Cây bàng nhà tôi, cành táo nhà ai, và gốc phượng bên mái nước đầu dốc cho ai ánh mắt vụng dại, gặp gỡ ngượng ngập đầu đời…

Người trên phố quen “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Đồng Tâm phố tôi giống như quê, “sớm lửa tắt đèn có nhau”. Tôi lớn lên từ tình cảm yêu thương đùm bọc cũng như kỳ vọng của tấm lòng bà con Đồng Tâm “gốc” ấy. Bao nhiêu số phận, tính cách, chân dung con người phố tôi đi vào tiềm thức, thậm chí sau này vào những trang viết của tôi.

Người ở Đồng Tâm biết dựa vào nhau sinh sống. Ngay cái tên phố cũng do mấy bậc cao niên họp bàn đặt ra vào buổi sơ khai lấp ao chuông dựng nhà với ý nghĩa người nơi đây “Đồng lòng nhất trí”.

Những năm chiến tranh, bom giặc Mỹ giội hai đầu phố nhỏ, có gia đình ông bố và con gái hóa thân vào tro bụi, không tìm thấy một mảy may! Hết chiến tranh, phố thay áo mới không còn nhà tranh, nhiều hộ lên tầng, người người sinh sôi không còn hiu hắt.

Năm 1985, mở đường Giải Phóng, một phần phố tôi vui vẻ đi đến Lạc Trung để có con đường cao tốc thênh thang bốn làn thẳng tắp chạy xuống phía nam.

Năm 2002, lại một phần Đồng Tâm dời xuống Đến Lừ để Thủ đô thêm con đường thông mở từ Thanh Nhàn chạy sang bắt và đường Giải Phóng.

Và giờ đây để góp cho khuôn dung Thủ đô thêm hiện đại, tên phố Đồng Tâm tự lui vào dĩ vãng. Dãy mặt đường gọi tên là Giải Phóng, nhánh chạy về Thanh Nhàn được mang tên mới là phố Lê Thanh Nghị. Các ngõ, nhánh, ngách cũng theo đó là gọi.

Có nghĩa là con phố xưa của tôi đã đi hết vòng đời lấy con số tròn là một nửa thế kỷ. Tiếc chăng? Không hẳn thế. Người phố tôi đã quen chia sẻ cho việc lớn, miễn sao tất cả cho Thủ đô.

Ai đi xa, nay có dịp về đến phố cũ sẽ lạ lẫm, khi mà tìm lại dấu tích một thời xưa. Nhà cao cửa rộng, buôn bán sầm uất lắm. “Đất lành chim đậu”, người tứ phương đổ về sinh sống. Nhưng tính ra vẫn tìm thấy những dân Đồng Tâm “gốc” – những gia đình đã có ba bốn thế hệ sinh con đẻ cái, ngã bệnh mất tại đất Đồng Tâm.

Căn nhà tôi cũng không còn gốc bàng xưa, lại mang biển số khác, mang tên đường Giải Phóng. Nhưng lòng tôi vẫn nhớ về phố cũ mà đời tôi in bao kỷ niệm. Và tôi vẫn còn có một niềm vui: Tên phố cũ từ lâu được đặt tên cho phường Đồng Tâm. Một con phố nhỏ lùi vào dĩ vãng nhưng mãi mãi thành kỷ niệm của nhiều đời người.

Nguyễn Cao Sơn (HN tạp văn)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.