Thông tin trên được Sở GD&ĐT Hà Nội đề cập trong văn bản gửi các trường ngày 1/12. Văn bản được ban hành trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn bán trú trường học. Gần đây nhất là sự việc hơn 600 học sinh trường Ischool Nha Trang (Khánh Hoà) bị ngộ độc sau khi ăn cơm bán trú gây hoang mang cho nhiều phụ huynh.
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo quy định.
"Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học có bán trú", văn bản nêu rõ.
Đặc biệt, khi phát hiện những hành vi vi phạm về an toàn thực phầm, Sở đề nghị các trường cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.
Các trường lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; hiểu đúng, tìm hiểu kỹ các thông tin về thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Hiện, Hà Nội là một trong 9 tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở.
Thời gian tới, Hà Nội dự kiến triển khai hoạt động diễn tập điều tra về ngộ độc và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Được biết, từ năm 2010 đến 2021, toàn thành phố có 27 vụ ngộ độc, trong đó 8 vụ ngộ độc liên quan đến bếp ăn trường học. Hiện, Hà Nội đang thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở.
Trong hai năm 2022 và năm 2023, Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện gồm: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.
Trúc Chi (theo VTC News, Tin Tức)