Hạ tầng khu đô thị xuống cấp nhưng không thể nâng cấp

Hạ tầng khu đô thị xuống cấp nhưng không thể nâng cấp

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 5, 03/11/2022 15:47

Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị sau thời gian sử dụng thì hạ tầng như vỉa hè, đường xá... xuống cấp nhưng lại không thể nâng cấp vì chưa bàn giao cho chính quyền.

Chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là người đầu tiên trong 4 trưởng ngành đăng đàn trước Quốc hội. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn.

Cần chế tài khi hạ tầng bị bàn giao chậm

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) nêu vấn đề có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị sau thời gian sử dụng thì hạ tầng như vỉa hè, đường xá... xuống cấp, nhưng không thể nâng cấp vì chưa bàn giao cho chính quyền. Nhà nước chưa nâng cấp được còn chủ đầu tư thì bỏ bê. "Vấn đề này có thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng không, sẽ được giải quyết khi nào?", ông Hiếu hỏi.

Tiêu điểm - Hạ tầng khu đô thị xuống cấp nhưng không thể nâng cấp

Đại biểu Phan Chí Hiếu (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, những năm gần đây nhiều địa phương đã phát triển các khu nhà ở, khu đô thị khác nhau cả về quy mô lẫn chất lượng hạ tầng, tạo ra nhiều đô thị đồng bộ.

Tuy nhiên, ông thừa nhận nhiều dự án đến nay vẫn chưa bàn giao hạ tầng kĩ thuật cho địa phương, một số chưa bàn giao đã xuống cấp.

Theo Bộ trưởng, có 4 nguyên nhân chính của vấn đề này. Thứ nhất là quy định pháp luật về xây dựng đô thị trước 2021 mới chỉ có quy định mang tính nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể nên việc bàn giao còn lúng túng.

Thứ hai, các dự án có nhiều phân kỳ kéo dài nên chủ đầu tư chậm bàn giao hạ tầng kỹ thuật để chờ hoàn thành, trong khi đó hạ tầng từ thời kì đầu xuống cấp.

Thứ ba, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng một số chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trước khi bàn giao, dẫn đến chất lượng hạ tầng còn kém. Thứ tư, nguồn lực của chính quyền cả về nhân lực lẫn vật lực đều chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, do đó chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng hạ tầng.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng pháp luật liên quan.

Trong đó, tiếp tục rà soát để quy định rõ hơn việc chủ đầu tư phải đề xuất phương án bàn giao ngày từ khi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc khi lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cũng phải có trách nhiệm hơn trong việc đốc thúc chủ đầu tư.

Song song đó, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất sửa đổi các nghị định thuộc phạm vi quản lý, trong đó có vấn đề bàn giao hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, việc xử phạt hành chính tương ứng khi không tuân thủ cũng sẽ được đề xuất sửa đổi.

Nhà từ 24 tầng phải do Bộ Xây dựng cấp phép?

Đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) đặt vấn đề tại sao xây dựng nhà từ 24 tầng trở lên phải do Bộ Xây dựng cấp phép, trong khi các nước khác cho phép những đơn vị tư nhân có đủ điều kiện và năng lực cấp phép. Đại biểu cũng nhấn mạnh hiện nay Bộ Xây dựng chỉ có một đơn vị thực hiện thủ tục này. Do đó, đại biểu mong Bộ trưởng Xây dựng cho biết thời gian tới có giải pháp cho phép các đơn vị ngoài Bộ Xây dựng có đủ điều kiện và năng lực thẩm định hay không?

Tiêu điểm - Hạ tầng khu đô thị xuống cấp nhưng không thể nâng cấp (Hình 2).

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Ảnh: Quochoi.vn).

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định Bộ chỉ chịu trách nhiệm thẩm định các công trình dân dụng đặc biệt, còn lại đã phân cấp toàn diện cho cơ quan chuyên môn ở các địa phương và các bộ, ngành khác.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình triển khai các dự án, cũng như tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, trong dự thảo sửa đổi các luật đang xin ý kiến, Bộ Xây dựng đã đề xuất tiếp tục phân cấp cho cơ quan chuyên môn ở các địa phương thẩm định công trình nhóm B, cấp 2 trở xuống.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, nhóm công trình này hiện chiếm đến 61% tổng số hồ sơ đang được Bộ Xây dựng giải quyết. Do đó, khi quy định này được ban hành chính thức sẽ giảm đáng kể lượng hồ sơ thẩm định.

Thời gian tới, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa các thủ tục thẩm định liên quan, thiết kế kỹ thuật để đảm bảo cái cách hành chính, tăng cường quản lý nhà nước cũng như đảm bảo chất lượng an toàn công trình.

4 nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Xây dựng

Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.

Quản lý thị trường bất động sản; Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.

Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.