Hà Thành kim cổ ký: 94 năm trước báo chí đã kiến nghị di dời ga Hà Nội

Hà Thành kim cổ ký: 94 năm trước báo chí đã kiến nghị di dời ga Hà Nội

Lê Thị Ánh Tuyết

Lê Thị Ánh Tuyết

Thứ 7, 03/03/2018 18:00

Ga Hà Nội được khởi công xây dựng năm 1899 khánh thành năm 1902 được đặt tên là ga Trung tâm Hà Nội. Vì cái tên quá dài và cũng là thói quen gọi tên theo địa danh nên dân chúng gọi là ga Hàng Cỏ. Theo quy hoạch ga nằm ngoại ô thành phố Hà Nội.

Dù có đường sắt nhưng người dân vẫn chưa quen với phương tiện giao thông này. Từ Hà Nội đi Hải Phòng, Nam Định hay Bắc Giang và theo chiều ngược lại họ vẫn thích đi tàu sông vì giá vé rẻ hơn tàu hỏa. Vì thế ga vắng vẻ và các chuyến tàu qua ga Hà Nội chủ yếu chở hàng hóa. Dần dần nhận thấy đi tàu hỏa tiện lợi hơn nên từ  sau chiến tranh thế giới thứ I, số người đi tàu hỏa tăng lên khiến ga đông hơn và đường Cái Quan (nay là đường Lê Duẩn) cũng nhộn nhịp hơn.

Thế nhưng, đầu thế kỷ XX các vùng đất: Khâm Thiên, Nam Đồng, Vọng... của tỉnh Hà Đông giáp với Hà Nội đã phát triển thành những  phố  đông dân. Khâm Thiên còn trở thành phố cô đầu, phố nhảy đầm nên ga và đường sắt bị các phố bao vây buộc chính quyền phải cho làm barie, có người gác 24/24 giờ. Và mỗi khi có tàu chạy qua người gác hạ barie thì người và  phương tiện giao thông  từ phía đông sang tây hoặc ngược lại bị dồn ứ. Và dần dần trở thành vấn đề lớn khi mỗi ngày có vài chục chuyến tàu hàng và tàu khách đến và đi từ ga Hàng Cỏ. 

Văn hoá - Hà Thành kim cổ ký: 94 năm trước báo chí đã kiến nghị di dời ga Hà Nội

Ga Hà Nội còn được biết đến với cái tên ga Hàng Cỏ.

Trước  thực trạng ùn ứ giao thông, dư luận đã lên tiếng. Ngày 15/6/1924 báo “Thức tỉnh kinh tế Đông Dương” đã đăng chuyên đề về thực trạng ùn ứ giao thông do đường sắt gây ra và kiến nghị chính quyền xem xét cho quy hoạch lại ga Hàng Cỏ. Trước những phân tích có cơ sở khoa học của tờ báo này chính quyền đã nhận ra tương lai giao thông ở khu vực này sẽ đông đúc và hỗn loạn hơn, nhưng vì ga  được xây với số tiền quá lớn lại mới hoạt động hơn 20 năm họ không thể di dời đường sắt và ga Hàng Cỏ. Và một giải pháp được chính  quyền đưa ra để khắc phục là xây ga Vọng ở phía nam thành phố và ga Đầu Cầu (nay là  ga Long Biên) để hạn chế người vào nội đô. Giải pháp đó cũng tạo thuận lợi cho nhiều hành khách khi họ không cần  phải vào ga Hàng Cỏ.

Những năm 1930, dân cư Hà Nội tăng vọt, thành phố trở nên chật chội, vì thế năm 1936, Chính phủ thuộc địa đã  tiến hành quy hoạch lại thành phố. Và quy hoạch mang tên Henri Ceruti  được toàn quyền Đông Dương Jean Decoux phê duyệt  năm 1943. Theo quy hoạch này, Hà Nội được  mở rộng lên phía Hồ Tây và phía nam với nhiều đại lộ và các nút giao thông lớn. Về phương tiện giao thông công cộng thì đường  tàu điện sẽ nhiều hơn. Một ga tàu hỏa  lớn sẽ được xây dựng ở Giáp Bát và ga này trở thành ga trung tâm của thành phố. Tuy nhiên thời điểm đó quân đội Nhật đã chiếm Việt Nam và nước Pháp cũng đang trong chiến tranh nên quy hoạch không thực hiện được. Và suốt từ  đó cho đến sau này, đường sắt vẫn chạy qua các phố để vào ga Hàng Cỏ đã  gây khó khăn cho giao thông  đường bộ Hà Nội.

Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 Mỹ ném bom Hà Nội bằng máy bay B52, bom đã rơi trúng  ga Hàng Cỏ làm sập sảnh chính. Sau đó, sảnh này được xây lại theo một kiểu khác không ăn nhập với phần còn lại. Và cũng để giảm bớt các chuyến tàu hàng vào ga Hàng Cỏ, năm 1973, ngành đường sắt đã chuyển tàu hàng xuống ga Giáp Bát và  bốc dỡ hàng hóa ở đây.

Từ khi đổi mới, phố xá mọc lên san sát, dân cư càng đông đúc đã gây ra nhiều điểm xung đột giao thông giữa đường sắt và đường bộ. Mỗi khi tàu chạy qua, ùn tắc lại  xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và phố khiến giao thông Hà Nội càng thêm hỗn loạn.

Nguyễn Ngọc Tiến

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.