Hồ Trúc Bạch xưa thuộc địa phận làng Trúc Yên (nay thuộc phường Trúc Bạch quận Ba Đình), một làng có nghề biên mành trúc. Thời “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”, chúa Trịnh Giang (1711-1762) đã xây một khu để nghỉ ngơi bên hồ nhưng sau biến nó thành lãnh cung gọi là Trúc Tầm viện. Những cung nữ thất sủng bị đưa ra đây tự lao động để sinh sống bằng nghề chăn tằm dệt lụa, ôm đau đớn, tủi hổ làm lụng chờ ngày được chúa tha về. Lạ thay các tấm lụa do cung nữ dệt ra rất đẹp, trở nên nổi tiếng.
Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng
May áo chàng cùng sóng áo em
Chữ tình gắn với chữ duyên
Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền
Cái tên Trúc Bạch từ Trúc Tầm viện mà ra. Cạnh hồ Trúc Bạch, có làng Ngũ Xã là nơi nổi tiếng về nghề đúc đồng, thờ tổ nghề. Xưa có lò đúc tiền của các triều đại quân chủ. Thế kỷ 18, Hương cống Đoàn Nguyễn Tuấn có bài thơ Trúc Bạch tiền lô bằng chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp của vùng đất quanh hồ Trúc Bạch. Tuy nhiên do là hồ phụ và cũng vì Hà Nội có quá nhiều hồ nên Trúc Bạch gần như không được để ý. Hiếm thấy thơ ca về hồ này ngoài bài của Đoàn Nguyễn Tuấn. Trong các lần quy hoạch mở rộng Hà Nội chính quyền cũng không quan tâm. Chỉ đến quy hoạch năm 1943, hồ mới được đưa vào quy hoạch trong đó có kè bờ và làm đường vòng quanh. Vì quy hoạch cần phải có một cái tên nên các kiến trúc sư đặt tên tạm thời là phố Hai Bà. Thế nhưng, quy hoạch này không được thực hiện.
Năm 1936, hội Thể thao Bắc Kỳ tổ chức chợ phiên ở đầu đường Cổ Ngư phía hồ Trúc Bạch thu hút rất đông người tới mua bán và tham gia các trò giải trí trong đó có thi bơi dành riêng cho phụ nữ. Có lẽ, những người tổ chức được sự khích lệ của phong trào “vui vẻ trẻ trung”, song sự kiện như thách thức dư luận xã hội lúc bấy giờ vì quan niệm của Nho giáo coi nhẹ vai trò phụ nữ vẫn bao trùm xã hội. Thế nhưng, vượt lên định kiến cuộc thi vẫn thu hút các cô gái có tư tưởng tiến bộ tham gia. Về nhất cuộc thi bơi này là Vũ Thị Quang nhà ở 54bis phố Trúc Bạch. Thấy kết quả hội chợ rất tốt, hội Thể thao Bắc Kỳ đã lập chi nhánh bơi lội ở hồ Trúc Bạch. Tuy nhiên, vì hồ nông, nước cũng không sạch, lại thêm quanh năm nhà máy điện Yên Phụ xả nước nóng ra đây nên mùa hè nước đã nóng lại nóng hơn rất nóng đã không thu hút được người ham thích. Thêm nữa chuyện cô Nghĩa, người phố Trúc Lạc được báo chí gọi là “nữ lưu tân tiến” trong nhóm “Tiểu thư đi bộ Hà Nội-Chùa Trầm” bị chết đuối do lật thuyền thoi, do vậy chỉ tồn tại một thời gian, câu lạc bộ này phải đóng cửa.
Sau tiếp quản Thủ đô người ta lên kế hoạch sửa sang lại đường Cổ Ngư và bờ hồ Trúc Bạch đồng thời cũng dự kiến xây nhà hát ngoài trời mang tên nhà hát Nhân Dân ở cuối phố Phó Đức Chính. Sân khấu của nhà hát nằm trên mặt hồ Trúc Bạch. Tuy nhiên, mới chỉ làm được một việc là mở rộng đường Cổ Ngư. Và cũng từ năm này, bán đảo Ngũ Xã trở thành nơi đổ xỉ than của nhà máy điện Yên Phụ. Khi Mỹ đánh bom miền Bắc và Hà Nội, phía nam hồ có trận địa phòng không bảo vệ nhà máy điện. Cũng tại hồ này, phi công John McCain bị bắt khi chiếc phi cơ của ông bị trúng tên lửa trên bầu trời Hà Nội ngày 26/10/1967. John McCain đã nhẩy dù và rơi xuống hồ Trúc Bạch.
Trong bản quy hoạch Hà Nội năm 1943, hồ có diện tích 29,6 héc ta. Sau khi kè hồ năm 2000, diện tích hồ hiện chỉ còn còn 22 héc ta mất gần 1/4 diện tích.
N.N.T