Hà thành kim cổ ký: Duyệt binh, diễu binh xưa và nay

Hà thành kim cổ ký: Duyệt binh, diễu binh xưa và nay

Lê Thị Ánh Tuyết

Lê Thị Ánh Tuyết

Thứ 3, 10/04/2018 21:00

Ngược dòng lịch sử, Việt Nam đã từng có những cuộc duyệt binh lớn. Thời nhà Trần, tại bến Đông Bộ Đầu (tương ứng khu vực đầu phố Hàng Than) trên sông Hồng thường diễn ra những cuộc duyệt thủy binh...

Thời đó, sông hồ chằng chịt, giặc từ phương Bắc hay Chiêm Thành từ phía Nam ra gây chiến hòng chiếm Thăng Long chủ yếu đi theo đường sông nên thủy binh có vai trò vô cùng quan trọng.

Lễ duyệt thủy binh cũng là dịp để vua cùng các quan đại thần kiểm tra khả năng chiến đấu của lực lượng này sau nhiều tháng ngày luyện tập. Ngày diễn ra lễ duyệt thủy binh, vua cùng các quan ngồi xem diễn tập. Hai bên bờ  còn có rất đông dân chúng, họ hô hào cổ xúy vang động cả khúc sông Hồng.

Năm 1428, sau khi đánh thắng giặc Minh, Lê Lợi cũng đã tổ chức duyệt thủy binh. Từng đội thuyền từ Bồ Đề (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội) chở binh lính, đầu đội nón tay cầm giáo mác tiến về phía thành. Sau khi diễu qua lễ đài cho vua duyệt, đội thủy binh diễu trên sông Hồng. Tiếng trống ngũ liên, tiếng chiêng khua vang vọng vào trong thành khiến dân chúng náo nức.

Thời vua Lê chúa Trịnh, nhà chúa xây  lầu Ngũ Long (tương ứng với khu vực Bưu điện Hà Nội hiện nay) để nghỉ ngơi và cũng là nơi ngồi xem duyệt thủy binh trên hồ Lục Thủy (nay là hồ Hoàn Kiếm). Khi nhà Nguyễn đánh đổ nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi và chuyển kinh đô vào Huế thì duyệt binh không diễn ra ở Thăng Long nữa.

Hà thành kim cổ ký: Duyệt binh, diễu binh xưa và nay

Duyệt binh đã có từ rất lâu. (Ảnh:Internet)

Thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội năm 1882. 16 năm sau, họ tổ chức duyệt binh lần đầu tiên, hôm đó là ngày 14/7/1898. Ẩn sau cái cớ kỷ niệm Quốc khánh  Pháp, mục đích của cuộc duyệt binh này là thị uy dân bản xứ khi họ khoe các loại vũ khí.

Năm 1954, Pháp phải ký Hiệp định Genève rút quân khỏi Đông Dương. Không lâu sau đó, ngày 1/1/1955, lễ diễu binh, diễu hành đón Bác Hồ và Trung ương Đảng từ Việt Bắc trở về được tổ chức tại Hà Nội. Đây là lễ diễu binh, diễu hành đầu tiên của chế độ mới ở miền Bắc.

Tham gia cuộc diễu binh nhằm biểu dương ý chí, sức mạnh và tinh thần đoàn kết có các chiến sĩ từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị từ chiến khu trở về trong quân phục màu xanh cỏ úa, đầu đội mũ kê pi, vai đeo súng trường khiến người dân Hà Nội bất ngờ và ngỡ ngàng vì trước đó họ chỉ được  nghe tin lan truyền về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ nan bọc vải.

Hôm đó, các cửa hàng cửa hiệu ở các phố đóng cửa, đàn ông mặc áo sơ mi, quần ka ki, đầu chải bi giăng tin bóng loáng, còn phụ nữ thì rất nhiều người mặc áo dài tràn ra phố tươi cười vẫy chào khi đoàn quân diễu qua. Cảm xúc  thiêng liêng, hạnh phúc ngập tràn các con phố, ngõ nhỏ và lan về vùng ngoại thành trong cơn gió se lạnh mùa  đông.

Năm 1970, một cuộc duyệt binh lớn tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm 25 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều  đáng nói là lễ duyệt binh diễn ra khi không quân Mỹ vẫn ném bom từ vĩ tuyến 20 trở vào. Có nhiều gia đình vẫn ở  nơi sơ tán nhưng cũng có gia đình cho con cái về Hà Nội. Lễ duyệt binh diễn ra đúng sáng ngày 2/9. Dù loa truyền thanh  tường thuật trực tiếp nhưng  ai cũng muốn nhìn  tận mắt. Phố Nguyễn Thái Học đoạn sân vận động Hàng Đẫy đông nghẹt người vì đây là nơi đoàn diễu binh diễu hành đi qua rồi  chia làm hai ngả vào các phố.

Trong thế kỷ XX còn có vài lần diễu binh, duyệt binh nhưng lễ duyệt binh chào mừng Quốc khánh 2/9/1975 là hoành tráng nhất vì có đủ các quân binh chủng cùng với vũ khí, khí tài. Bà con các tỉnh rầm rập đổ về Hà Nội. Không khí Hà Nội náo nức không thể tả nổi.

Nguyễn Ngọc Tiến

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.