Hà thành kim cổ ký: Hoa ở Hà Nội xưa

Hà thành kim cổ ký: Hoa ở Hà Nội xưa

Lê Thị Ánh Tuyết

Lê Thị Ánh Tuyết

Chủ nhật, 01/04/2018 06:10

Hà Nội xưa là đất hoa. Ở phía Tây kinh thành Thăng Long, quanh khu vực Hồ Tây có rất nhiều làng trồng hoa. Thời nhà Lý, làng Nghi Tàm có cánh đồng trồng hoa gọi là Đồng Bông. Làng Yên Phụ cũng trồng hoa nên có tên là Yên Hoa. Và nói đến hoa không thể không nói đến làng đào Nhật Tân nức tiếng Đại Việt...

Đào không chỉ để trưng Tết mà còn là loại hoa trong tín ngưỡng dân gian còn là loại hoa  xua đuổi ma quỷ. Nhưng sen Tây Hồ mới là đáng nói. Cả một vùng hồ bát ngát chỉ có sen và sen. Thời nhà Lê, có vua còn bày ra thú vui bắt cung nữ cởi trần bơi thuyền trong hồ sen.    

Ở phía Đông, thời Trần có một con đường từ bến Đông Bộ Đầu (nay là đầu phố Hàng Than) vào thành trồng toàn hoa hòe gọi là đường Hòe Nhai (tương ứng khu vực phố Hòe Nhai hiện nay). Cũng thời nhà Trần khu vực quanh Hồ Tây có rất nhiều lầu son, gác tía của đám quan lại giàu có nên được gọi là khu “thừa lương”. Theo Đại Việt sử ký thì: “Lầu gác nào cũng trồng hoa, cây cảnh”. Phía Tây Nam thành có con đường trồng toàn liễu gọi là Liễu Giai (tương ứng với khu vực Liễu Giai hiện nay). Có làng hoa Ngọc Hà và Hữu Tiệp nổi tiếng. Phía nam kinh đô cũng có rất nhiều làng trồng các loại mai nên người ta lấy chữ  mai đặt tên làng như: Bạch Mai, Hồng Mai, Hoàng Mai... Khu vực này có giống đào thất thốn, hoa nở đôi rất quý. Hoa ở Thăng Long chủ yếu là: Sói, ngâu, huệ, hải đường... Dân chúng dâng hoa cúng lễ trong các chùa vì nhà Lý, nhà Trần rất trọng đạo Phật và đạo Phật là quốc đạo.

Hà thành kim cổ ký: Hoa ở Hà Nội xưa

Khi xưa, Hà Nội là đất hoa.

Năm 1429, tức là chỉ một  năm sau chiến thắng quân Minh, Lê Lợi khi đó đã lên ngôi  ra chỉ dụ  bắt các nhà các quan phải trồng hoa, cây và rau.  Có lẽ vì Thăng Long tan nát sau 20 năm bị quân Minh chiếm đóng nên Lê Lợi muốn bộ mặt kinh thành phải mới nên mới ra chỉ dụ như vậy. Đại Việt sử ký chép: “Cho đô tổng quản và quản lĩnh các đạo cùng các quan viên ở các phường trong kinh thành biết rằng hiện nay đất của các công hầu, bách quan đã có phần nhất định đều phải trồng cây, trồng hoa và rau đậu không được bỏ hoang...”. Nhà Nguyễn Trãi lúc đó ở bên sông Tô Lịch, trên vườn thì trồng hoa, dưới ao trồng  sen, bạn ông là Nguyễn Mộng Tuân đến thăm đã nổi hứng làm thơ:

“Nhất điều thủy lãnh trị Tam quán

Từ bích gia bần phú lục  kinh

Mai ảnh nguyệt niên lai giáng trường

Hà phương phong đệ tống sơ linh”

(Tạm dịch: Một dòng nước lạnh qua nhà Tam quán/Bốn vách nghèo sơ chỉ toàn sách vở/Trăng vẽ bóng mai lên tường đỏ/Gió đưa hương sen vào song thưa). Đọc Quốc âm thi tập thấy Nguyễn Trãi kể ra rất nhiều cây hoa được ưa chuộng thời đó như: Mai-Trúc-Cúc-Tùng (sau này gọi tứ quý: Mai-Lan-Cúc-Trúc), đào,  mẫu đơn, thiên quế, hòe...

Đến thời vua Lê, chúa Trịnh, chơi hoa, cây cảnh ở Thăng Long được  Phạm Đình Hồ mô tả trong Vũ trung tùy bút: “Buổi ấy bao nhiêu loài trân cầm dị thú quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian chúa đều sức thu lấy không thiếu thứ gì... Bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng ra ngoài dọa dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa, cây cảnh, chim tốt khướu hay thì biên ngay hai chữ Phụng thủ vào. Đêm đến các cậu trèo qua tường thành lẻn ra đem tay chân đến lấy phăng đi rồi hôm sau buộc  tội gia chủ đem giấu vật cung phụng để lấy tiền”.

Bỏ qua chuyện “đạo hoa” rõ ràng thời Lê hoa ở Thăng Long rất phong phú và không chỉ để mang cúng lễ ở chùa mà hoa đã trở thành thú chơi tao nhã và sang trọng. Ngày nay những làng hoa nổi tiếng của Hà Nội xưa không còn nhưng thay vào đó là các vùng trồng hoa mới. 

Nguyễn Ngọc Tiến

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.