Như vậy, trước khi người Hoa kiều tới đây mua nhà kinh doanh thì Hàng Ngang (tức phường Diên Hưng) và đoạn đầu phố Hàng Đào (tức phường Đồng Lạc), người Việt đã bán quần áo và cả yếm nữa (vì đình phường Đồng Lạc còn có tên là đình Hàng Yếm). Sau năm 1954, Hàng Ngang có số nhà được nhiều người biết đến đó là nhà 48 của ông bà Trịnh Văn Bô. Chính tại ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Cho tới đầu thế kỷ XX, phố có nhiều hiệu tơ lụa lớn đều là Hoa kiều và người Việt như: Phan Đức Thành, Phan Thái Thành, Phan Hưng Thành, Phan Vạn Thành, Phan Dụ Thành, Phan Hòa Thành, Trịnh Phúc Lợi, Lợi Quyền. Sau người con cụ Phúc Lợi là ông Trịnh Văn Bô chuyển sang số nhà 48 cùng phố. Người Hoa ở Hàng Ngang còn mở nhiều hiệu bán chè “Tàu” như: Sinh Thái, Chính Thái, Ninh Thái… Chè đựng trong lọ sứ, lọ thiếc hoặc gói giấy… nhãn hiệu chữ Trung Quốc song đa số lại là chè Phú Thọ được sao chế tại Hàng Ngang và đóng nhãn hiệu Vũ Di Sơn, Phúc Kiến. Buôn bán dĩ nhiên phải gắn liền với quảng cáo.
Trong khi Hàng Đào có những biển quảng cáo mang đầy những biểu tượng các con vật như Thạch Lam đã viết rất sinh động trong Hà Nội 36 phố phường, thì Hàng Ngang lại hay quảng cáo bằng loa phóng thanh mở âm lượng hết cỡ như các hiệu thuốc Đông y Đại Quang, Nhị Thiên Đường… Các truyện cổ Trung Hoa như Tam Quốc, Chinh Đông Chinh Tây, truyện trinh thám được in thành những tập khổ nhỏ, ra nhiều kỳ phát không hoặc tặng khách mua hàng cũng rất được hoan nghênh.
Đến khoảng những năm 1940 ở Hàng Ngang còn xuất hiện những người đeo một cái khung chữ nhật bằng sắt cao quá đầu chừng 1m có dây lưng da thắt ngang bụng, trên cái khung đó có bảng quảng cáo. Những người mang bảng quảng cáo đó đầu tiên chỉ thấy trong phim và được gọi là những “sandwich men” (người kiểu bánh săng-uých-loại bánh mì kẹp thịt). Kiểu quảng cáo đó không chỉ riêng cho Hàng Ngang mà có lẽ chung cho cả Hà Nội nhưng vì Hàng Ngang, Hàng Đào là nơi đông người qua lại nên dễ gây sự chú ý. Những “sandwich men” phải đeo trên người cái bảng quảng cáo to nặng nên đôi khi họ gặp hạn.
Có người ngã ra phố khi trời gió to hay có ai đó đùa ác ý đẩy họ ngã. Họ không thể tự đứng dậy được. Nhưng, có những trường hợp vô tình mà trở thành cách quảng cáo hiệu quả mà không tốn một đồng xu. Đó là trường hợp hiệu vải số 20 của một chủ hiệu người Ấn Độ, vì ông ta có một bộ râu quai nón rất rậm nên có biệt danh là ông Sàm (từ Sồm nói trại đi). Ông này cũng không lấy làm phiền lòng lại còn lấy luôn biệt danh đó làm tên hiệu và cho kẻ chữ “Hiệu Ông Sàm 20 Hàng Ngang” trước cửa và màn cửa. Phải công nhận thương gia này rất thông minh vì cái tên ông Sàm dễ nhớ hơn nhiều so với tên Ấn Abdullah hay Ibrahim gì đó của ông.
Một trường hợp khác là hiệu “Tak Yune” (Đức Nguyên) ở số 17. Hiệu này có một ông quản lý vóc người rất to béo cỡ trên dưới 100kg, không ai biết tên thật của ông, chỉ thấy người ta đặt biệt danh cho ông là ông Tài “béo” và người ta chỉ nhớ hiệu ông Tài “béo” chứ ít khi nhớ tên hiệu là Đức Nguyên. Sau 1954, Hàng Ngang không còn là phố buôn bán sầm uất như xưa. Dấu tích quảng cáo xưa nay còn sót lại vài biển quảng cáo bằng chữ đắp trên tường.
N.N.T