Hà Tĩnh: "Chết yểu" tại dự án trồng rau sạch trên cát bạc màu

Hà Tĩnh: "Chết yểu" tại dự án trồng rau sạch trên cát bạc màu

Bùi Thị Ngân

Bùi Thị Ngân

Thứ 2, 23/10/2017 06:00

Được đầu tư hàng chục tỷ đồng, dự án trồng rau, củ quả sạch trên cát từng được kỳ vọng làm nên điều kỳ diệu cho vùng đất bạc màu ven biển Hà Tĩnh. Thế nhưng, chỉ sau gần 4 năm đi vào hoạt động, dự án đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”.

Giấc mơ trồng rau trên cát: Không hiệu quả vẫn đầu tư

Dự án trồng rau củ quả sạch trên cát được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt và giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (gọi tắt là Mitraco) trồng thí điểm tại vùng ven biển xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà từ tháng 9/2013, sau khi tham khảo mô hình từ Dongshan (Trung Quốc). Thời gian thực hiện dự án là 1 năm (từ tháng 9/2013 - 9/2014), với tổng số vốn hơn 12 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh là 10,9 tỷ đồng). Mục tiêu đầu tư là hoàn trả lại môi trường vốn có ban đầu sau khi khai thác hết quặng titan, góp phần chống sa mạc hóa; đồng thời, tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn cung ứng cho người tiêu dùng.

Đến đầu năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ thí điểm sản xuất rau, củ, quả trên cát với quy mô 680ha, trên địa bàn 13 xã thuộc 4 huyện ven biển gồm: Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân.

Xã hội - Hà Tĩnh: 'Chết yểu' tại dự án trồng rau sạch trên cát bạc màu

Cỏ mọc um tùm, người dân đến cắt về cho bò ăn.

Ngày 13/1/2014, ông Võ Kim Cự lúc này đang giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký Quyết định số 135/QĐ-UBND về việc quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiên phong đi đầu triển khai thực hiện mô hình cải tạo đất cát hoang hóa, bạc màu tại các xã ven biển để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả công nghệ cao. Theo quyết định này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tiên phong sản xuất quy mô trên 1ha sẽ được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón, một phần chi phí đầu tư hạ tầng, kinh phí đào tạo chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm... Nguồn kinh phí này được trích từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, lồng ghép các chương trình mục tiêu và các nguồn vốn hợp pháp khác.

“Tháng 10/2014, công ty tiến hành đánh giá lại kết quả mô hình khảo nghiệm. Nhận xét đưa ra là mô hình này không đem lại hiệu quả kinh tế nhưng lại đem lại hiệu quả xã hội tích cực. Nó làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung; Tạo công ăn việc làm cho công nhân; Cải tạo vùng đất hoang hóa, bạc màu. Cho nên, sau đó, công ty có quyết định phê duyệt dự án bổ sung với tổng diện tích là 75ha”, bà Nguyễn Thị Hà, Phó tổng giám đốc Mitraco cho biết.

Hoang hóa trở lại, rau sạch nhường chỗ cho cỏ dại

Chúng tôi có mặt tại dự án chuỗi sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao trên cát của Tổng công ty Mitraco tại xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà. Thực tế ở đây cho thấy, trong tổng số 85ha đất cát đã được san lấp mặt bằng thì có 50ha đã được lắp đặt hệ thống tưới nước công nghệ Israel. Tuy nhiên, tại đây, hiện chỉ còn khoảng 5ha có một số loại cây ăn quả sinh trưởng nhưng rất cằn cỗi, còn lại hầu hết diện tích đang bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm trên các luống. Nhiều người dân địa phương cho biết, thường xuyên vào đây để cắt cỏ về cho bò ăn.

Xã hội - Hà Tĩnh: 'Chết yểu' tại dự án trồng rau sạch trên cát bạc màu (Hình 2).

Nhiều hệ thống trong dự án đã bị hư hỏng trầm trọng.

Trước mắt chúng tôi, cánh đồng rộng mênh mông, ngút ngàn tại khu vực sản xuất đang bị bỏ trống, thưa thớt một ít cây chuối con, còn lại chỉ là cỏ dại. Điểm đầu đường vào khu sản xuất đã bị xuống cấp trầm trọng. Đối diện, khu vực kho chế biến và cửa hàng bán rau, củ, quả sạch, an toàn trông càng thê thảm hơn.

Chuỗi cửa hàng và dãy nhà kho chế biến đều đóng cửa im lìm. Một số cửa kính ở dãy nhà cửa hàng bị đập vỡ, một số khác bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hàng nghìn cọc tưới nước nằm khô khốc, rất nhiều thiết bị gãy ngang rơi vãi nằm chỏng chơ trên cát… Hoạt động mạnh nhất ở khu vực này là sự xâm lấn của cát, sự hoang mạc hóa trở lại. Một số hạng mục như nhà lưới ươm giống, giàn đỡ dưa leo bị Bão số 10 vừa qua làm đổ sập cũng chưa được tu sửa vì hiện không sản xuất. Người quản lý dự án tại đây cho biết, từ tháng 6/2017, việc xản xuất ở đây đã thu hẹp diện tích lại; từ 100 công nhân làm việc trước đây thì hiện cũng chỉ còn lại 15 người, chủ yếu là để bảo vệ tài sản.

Xã hội - Hà Tĩnh: 'Chết yểu' tại dự án trồng rau sạch trên cát bạc màu (Hình 3).

Rau, củ, quả sạch nhường chỗ cho cỏ dại tại dự án hàng chục tỷ đồng.

Theo số liệu từ chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, sở NN&PTNT Hà Tĩnh, tổng chi phí sản xuất của Tổng công ty Mitraco trong thời gian qua là gần 14 tỷ đồng; lỗ gần 12 tỷ đồng. Theo quy hoạch ban đầu, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc quy hoạch các vùng sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao trên cát với diện tích 684,1ha. Tuy nhiên, mới sau gần 4 năm thực hiện, tổng diện tích sử dụng mới chỉ có 230ha nhưng quá trình sản xuất lại đang rơi vào tình trạng “ngắc ngoải”, không có lối thoát. Từ tháng 6/2017, các đơn vị trên toàn tỉnh thực hiện theo mô hình này cũng chỉ sản xuất được 73,9ha trên tổng số hơn 200ha. Mitraco là doanh nghiệp chủ đạo trong mô hình này cũng chỉ canh tác được 4ha trên tổng số 85ha.

Trước thực trạng, ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân dự án không đưa lại hiệu quả kinh tế đó là do thời tiết khắc nghiệt và quan trong nữa đó là không có đầu ra.

Được biết, hiện, Mitraco đã có phương án gửi UBND tỉnh về các giải pháp và hướng đi mới cho dự án trồng rau củ sạch trên cát.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.