Đội quân nghiện chở thú rừng
…Đêm xuống. Tại cổng B Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thi thoảng từng tốp xe máy chạy với tốc độ lên đến cả trăm cây số trên giờ chở theo thùng hàng cồng kềnh. Anh T., một người dân gốc ở huyện Vũ Quang vừa gia nhập nhóm chúng tôi cho biết: “Dân buôn hàng con đó, toàn là dân nghiện cả, nghiện nên mới dám liều như thế”.
Bản thân T. cũng là một con nghiện lâu năm, nhưng có lẽ vì có giới thiệu thân tình của người quen nên T tiếp xúc với chúng tôi cởi mở. T. kể trước đây không có việc làm nên cũng từng tham gia chở hàng “con” cho đầu nậu. Nguy hiểm nhưng bù lại được nhiều tiền.
T. kể lại: “Đợt đó tôi móc nối với thằng bạn xin vào hội (chở động vật hoang dã – PV), nó bảo tôi nếu nghiện mới được nhận. Mình cũng dân chơi nên được nhận luôn”.
Kể về hành trình của mỗi chuyến hàng, T. cho biết sau khi bạn hàng bên kia biên giới chuyển đến gần đường biên, các đầu nậu sẽ thuê đám cửu vạn vác hàng luồn qua rừng xuống ven đường 8 rồi bốc lên xe tải hoặc chia nhỏ ra cho các xe máy chở về nơi tập kết ở Sơn Kim, Phố Châu, Hương Sơn, sau đó hàng mới được phân phối đi các nơi. Ra Hà Nội hay đi Quảng Ninh, Lạng Sơn thì bằng ô tô, còn các tỉnh gần thì chở bằng xe máy.
Qua T., chúng tôi gặp gỡ K. cũng là dân trong nghề. K. cho biết mỗi chuyến hàng trót lọt dân (nghiện) chở thuê bỏ túi dăm ba trăm ngàn nhẹ không. Cung ngắn như đường 7 nối Nghệ An – Hà Tĩnh cũng được trả ba trăm ngàn để chở 50 đến 100 cân. Nếu đi đường mòn Hồ Chí Minh ra Hà Nội hoặc tuyến đường 9 nối với cửa khẩu Cha Lo Quảng Trị thì giá cao hơn. “Hàng” phần nhiều là tê tê, rùa, kỳ đà.
Nhiều thông tin mà chúng tôi nghe được từ T. và K cũng trùng với chia sẻ của ông Nguyễn Duy Tiến, trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm thuộc Cục hải quan Hà Tĩnh. Ông Tiến khẳng định trong đội quân vận chuyển động vật hoang dã ở Hà Tĩnh, dân nghiện tham gia đông đảo. Vì vậy, việc ngăn chặn càng khó khăn hơn.
Một trong số rất nhiều vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép được cơ quan chức năng Hà Tĩnh thu giữ
Đủ chiêu trò
Câu chuyện của những nhà quản lý và trấn áp tội phạm động vật hoang dã ở Hà Tĩnh nghe ly kỳ hấp dẫn như truyện trinh thám, chỉ tiếc rằng trong câu chuyện ấy, phần nhiều rơi vào tình huống người thực thi pháp luật phải chịu trận hoặc rút thêm được vài bài học… từ thất bại.
Gần đây, các cán bộ thực thi luật pháp lại phát hiện thêm một chiêu mới của hội vận chuyển tê tê bằng xe máy. Chúng chia hàng thành lô nhỏ, chở xen với mít, một món đặc sản của địa phương cũng thường xuyên được chở bán.
Đơn giản hình dung rằng cứ 3 xe chở hàng thì lại ken với 3 xe chở mít. Tê tê tròn và mít đều tròn, khó mà phân biệt nếu không chặn xe, mở bao tải ra kiểm tra tận nơi.
Chuyện những kẻ vi phạm tung tin báo giả cho kiểm lâm cũng đã xảy ra, thành ra xe chở thú rừng thật thì lọt, còn xe giả được ngụy trang như thể đang chở động vật thật thì bị giữ lại kiểm tra.
Cũng có vụ vi phạm đã rành rành, công an và kiểm lâm đuổi theo xe chở thú rừng, nhưng khi đuổi tới nơi thì những kẻ vi phạm đã kịp bày đặt một khung cảnh lộn xộn, người địa phương đến chen lấn xô đẩy, xin xỏ con này con kia, lợi dụng để tẩu tán tang vật.
Từng chứng kiến những vụ việc tương tự, ông Nguyễn Duy Tiến, trưởng phòng Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm thuộc Cục hải quan Hà Tĩnh bức xúc nói: “Có vụ chúng tôi chặn bắt được tận tay nhưng gặp chống đối quyết liệt và thậm chí bị cướp hàng. Họ đi có lực lượng, có xe máy rà trước, rà sau còn mình chỉ có vài người. Họ rất đông và manh động. Có khi bắt được vi phạm mà chỉ giữ được tang vật, không đủ lực lượng truy đuổi bắt người”.
Theo một số cán bộ kiểm lâm địa bàn, một trong những thủ đoạn phổ biến nhưng khó kiểm soát hiện nay là các đối tượng lợi dụng các thủ tục ở các cơ sở gây nuôi, bán thanh lý để vận chuyển và buôn bán động vật quý hiếm. Kiểm lâm Hà Tĩnh mới đây chặn và kiểm tra một lượng lớn ĐVHD được chở từ miền Nam, Tây Nguyên, người vận chuyển có trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc nuôi nhốt, tuy nhiên, trong trường hợp này cơ quan chức năng cũng chỉ kiểm soát được thông tin về số lượng, những nghi ngờ về nguồn gốc thực sự hay giám định loài họ không có điều kiện để xác minh.
Xử lý khó
Ông Hoàng Quốc Huấn, phó chi cục trưởng chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh cho rằng việc ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD vô cùng khó khăn, đặc biệt khi các chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Suốt bao nhiêu năm cho đến nay, Hà Tĩnh chưa khởi tố hình sự vụ án liên quan đến buôn bán ĐVHD nào.
Một trong những lý do chính là vì trong các vụ phát hiện, đầu nậu không bao giờ đi trên xe mà chỉ thuê người vận chuyển. Việc truy tìm chủ hàng rất khó khăn.
Cũng có nghịch lý bắt mà không xử lý được tang vật và người vi phạm. Như trường hợp đối với người đàn ông tên Đà ở Quảng Nam, bị kiểm lâm giữ xe vì vận chuyển động vật trái phép. Tuy nhiên, xe dùng để vận chuyển là xe thuê hợp đồng. Chủ xe đâm đơn kiện, sau này tỉnh bị xử thua, phải trả xe cho chủ sở hữu.
Ông Nguyễn Đình Kỳ, cán bộ Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh kể lại một vụ kiểm lâm bắt giữ gần 400 kg tê tê (thuộc nhóm IIB của Nghị định 32, hạn chế khai thác và buôn bán vì mục đích thương mại) được vận chuyển bằng xe ô tô Camry 4 chỗ ngồi trên quốc lộ 8A, thuộc huyện Hương Sơn. Khi bị bắt giữ, trên xe có lái xe là người ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An và người áp tải hàng, tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Sau quá trình tạm giữ và điều tra, Chi cục Kiểm lâm tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành mức phạt hành chính đối với lái xe 500 triệu đồng, người áp tải hàng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, sau 18 tháng, ngân sách tỉnh vẫn chưa thu được đồng nào từ quyết định xử phạt. Cán bộ xuống cơ sở để xác minh gia cảnh tới bốn lượt, đều chung nhận định: các đương sự không có khả năng để thực hiện quyết định xử phạt hành chính. Xe vi phạm là xe thuê hợp đồng tại một cơ sở ở thành phố Vinh, theo quy định của pháp luật, phải trả cho chủ phương tiện hợp pháp.
Vậy là sau bao nỗ lực đổ dồn của cơ quan thực thi pháp luật, kết quả cũng chỉ là… hòa cả làng.
Theo Diễn đàn Đầu tư