Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Người đưa tin thì tại khu vực xã Vượng Lộc sát dãy núi Hồng Lĩnh có khoảng 5 mỏ đá đang hoạt động gây nên một nỗi khiếp sợ cho người dân.
Núi Hồng bây giờ bị tàn phá thế này đây!
Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn hôm 7/10, chị Thanh ở xóm 1 xã Vượng Lộc cho rằng, các mỏ đá hoạt động ở khu vực địa phương cùng với 1 lò gạch đã phá nát đường đi lại của dân, cũng như gây nên ô nhiễm môi trường sống cho người dân địa phương.
"Đường vừa làm nhưng giờ đã hỏng hết vì hàng ngày cả đoàn xe tải, xe kéo chạy nên phá hỏng thật đáng tiếc, các mỏ đá thường nổ mìn vào khoảng 11h trưa và cuối giờ chiều gây rung động làng quê." – Chị Thanh nói thêm.
Nghĩa trang cũng chịu ảnh hưởng bởi các mỏ đá khai thác ngay cạnh.
Trao đổi với phóng viên, một người dân ở xóm 15 xã Vượng Lộc (xin được dấu tên) nói, gia đình tôi đã sống ở đây khá lâu, bây giờ xuất hiện một loạt các mỏ đá nên chúng tôi hàng ngày phải chịu cảnh mìn nổ, đá bay ầm ầm, bụi bặm từ mỏ đá gây nên đặc biệt là vào mùa hè.
"Tôi thấy việc tàn phá núi Hồng như thế này thì chẳng bao lâu nữa các ngọn núi ở đây sẽ bị “khai tử” thật đáng tiếc." – Người dân này lo âu nói.
Gần đây, do một số doanh nghiệp ồ ạt đưa phương tiện, máy móc vào khoét chân núi khai thác đá đã biến nhiều khu vực dưới chân quần thể di tích lịch sử văn hóa – danh thắng quốc gia chùa Hương Tích, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh thành những ao hồ, hang hốc, vực đá sâu thẳm, khổng lồ gây mất mỹ quan và đe dọa an toàn tính mạng của du khách.
Mỏ đá khai thác với công suất lớn, chẳng bao lâu nữa núi Hồng sẽ bị "khai tử".
Chúng tôi có mặt tại di tích chùa Hương Tích và thật sự lo lắng trước thực trạng cấp phép khai thác đá ồ ạt ngay dưới chân chùa. Hình ảnh quần thể di tích - danh thắng nổi tiếng “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, nơi chốn bồng lai tiên cảnh, chốn trang nghiêm, linh thiêng nhưng nay trở nên nhếch nhác, xấu xí đi rất nhiều so với trước đây. Đi dọc chân núi để lên cabin cáp treo, du khách luôn bị tra tấn, giật mình bởi tiếng rền vang của mìn phá đá, tiếng máy ngoặm xúc, máy khoan, xay đá, tiếng xe ben vận chuyển đá nối dài. Cả một vùng chân chùa bị bao trùm bụi đá.
Một đoạn đường vào làng giờ cũng tan hoang.
Trước đó, lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh cũng đã khẳng định, việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho khai thác đá dọc Núi Hồng, đặc biệt là dưới chân di tích chùa Hương Tích thật sự làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp sinh thái và trực tiếp đe dọa nguy cơ mất an toàn cho du khách, ô nhiễm môi trường di tích. Sở này cũng đã nhiều lần tham mưu cho tỉnh để có phương án bảo vệ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngày 16/3/2012 sau khi về kiểm tra thực trạng khai thác đá dưới chân chùa Hương Tích theo đơn phản ánh của nhân dân, Bộ VH-TT-DL đã có kết luận do phó chánh thanh tra Phạm Xuân Phúc ký nêu rõ: “Gần di tích có công trường đang hoạt động nổ mìn khai thác đá có nguy cơ phá vỡ cảnh quan di tích, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy hiểm cho du khách, ảnh hưởng đến tâm linh của chùa. Vì vậy, đề nghị Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Can Lộc khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trường khai thác đá đối với cảnh quan, môi trường, an toàn cho du khách. Trên cơ sở này, báo cáo UBND tỉnh yêu cầu dừng hoạt động của mỏ đá trên”… Chùa Hương Tích (tên gọi Hương Tích tự) nổi tiếng là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh và TP Vinh khoảng 35km. Chùa được xây dựng trên động Hương Tích thuộc dãy núi Hồng Lĩnh (theo Đại Nam nhất thống chí thì chùa được khởi dựng vào thời nhà Trần). Vào năm 1990, chùa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa - danh thắng cấp quốc gia, UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận Khu di tích cấp tỉnh năm 2007. Hàng năm cứ đến mùa lễ hội, hàng chục vạn lượt khách thập phương nườm nượp về đây dự lễ, dâng hương, vãn cảnh... |
P. Chính