Theo số liệu thống kê của chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (chi cục Trồng trọt) Hà Tĩnh, tính đến ngày 22/3, toàn tỉnh hiện có hơn 2.054ha lúa vụ xuân 2018 bị nhiễm đạo ôn lá, trong đó hơn 80ha nhiễm nặng, hơn 1.900ha nhiễm nhẹ và trung bình. Công tác phòng trừ đang được cơ quan chức năng Hà Tĩnh chỉ đạo tích cực.
Nhận định về nguyên nhân, ông Nguyễn Tống Phong, Phó Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt Hà Tĩnh cho biết, thời tiết âm u thời gian qua là điều kiện tích cực để đạo ôn bùng phát trên diện rộng. Diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn lá dao động quanh mức 2.000ha. Vụ xuân năm nay, do thời vụ gieo cấy chậm hơn khoảng 7 ngày so với năm ngoái, lúa nhiễm đạo ôn gặp giai đoạn phân hóa đòng, tập trung nhiều ở các huyện Cẩm Xuyên (hơn 1.160ha), Đức Thọ (550ha); Can Lộc (hơn 100ha)…
Hiện nay, tại các địa phương, bà con nông dân đã tập trung phun thuốc phòng, trừ (diện tích phòng, trừ hơn 1.800ha, đạt tỉ lệ 87%).
Theo ông Phong, qua kiểm tra, số diện tích nhiễm bệnh nặng ở xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên), xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà) thì sau khi xử lý, dịch cơ bản đã khống chế được, không có diện tích tiếp tục nhiễm bệnh nặng. “Nếu thời tiết nắng lên như hôm nay sẽ hạn chế được hiện tượng lây lan và công tác phòng trừ cũng hiệu quả hơn”, ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, vụ xuân năm 2017, khi lúa đến giai đoạn trổ bông, diện tích nhiễm đạo ôn chủ yếu là giống Thiên ưu 8; năm nay giống lúa này không được cơ cấu vào vụ xuân. Hiện tại, người dân cũng đã tiến hành phun thuốc để phòng ngừa.
Năm 2017 vừa qua, tại Hà Tĩnh dịch bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa đã khiến người dân gần như mất trắng vụ xuân. Toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 21.000ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, trong đó, diện tích gieo trồng giống lúa Thiên ưu 8 bị nhiễm gần 18.000ha; ước tính thiệt hại hơn 11 vạn tấn lương thực. Bởi vậy, năm 2017 được xem là vụ mất mùa lịch sử, chưa từng xảy ra trong ngành Nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh. Nếu so sánh số liệu, diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá của năm nay so cùng kỳ năm ngoái là tương đương, tuy nhiên số diện tích cháy lụi ít hơn và đều xuất hiện trên nhiều giống như nhóm lúa X, NA-2, khang dân…
Trước tình hình đó, lãnh đạo ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh đã khuyến cáo người dân phải thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện. Đối với diện tích đã xuất hiện bệnh phải xử lý dứt điểm, nếu phun thuốc 1 lần sau đó 5-7 ngày kiểm tra thấy chưa hết đạo ôn thì phải tiếp tục phun thuốc lần 2 hoặc lần 3. Đồng thời, nếu phát hiện xuất hiện nấm cổ bông mới phải tích cực xử lý.