Hà Tĩnh: Dân xót đắng chặt bỏ cả nghìn gốc cam lâu năm

Hà Tĩnh: Dân xót đắng chặt bỏ cả nghìn gốc cam lâu năm

Bùi Thị Ngân

Bùi Thị Ngân

Thứ 7, 25/11/2017 06:00

Chăm bón gần 5 năm những tưởng đến lúc cho thu hoạch, nhưng giờ đây người dân một số vùng trồng cam tại Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh lại xót đắng cưa bỏ hàng nghìn gốc cam "ngơ".

Mồ hôi chan nước mắt

 

Đầu tư - Hà Tĩnh: Dân xót đắng chặt bỏ cả nghìn gốc cam lâu năm

Người dân xót xa chặt hàng nghìn gốc cam lâu năm.

Cả tháng nay, trong khi các xã khác ở “thủ phủ” cam Hương Khê đang tấp nập vào ra cấp hàng cho thương lái thì tại những vườn cam ở các xóm 1, 2, 4 và 7 của xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh lại đìu hiu.

Chị Phan Thị Hoa, trú thôn 4, xã Hương Thủy ngậm ngùi cho hay, cách đây 5 năm, gia đình mua 400 gốc cam giống của ông Phan Văn Sơn, trú tại xã Phúc Đồng và gần 600 cây giống từ vườn ươm Việt thuộc địa bàn xã Hương Long với giá 20.000 đồng/cây.

Sau bao năm trời bỏ công chăm sóc, đến nay toàn bộ số cây này đã lớn, lá sum suê nhưng không cho quả hoặc cho quả thì vỏ dày, sần sùi và vị rất chua. Không còn cách nào khác, gia đình chị đành phải chặt bỏ số cam “ngơ” này, thiệt hại ước tính hơn 400 triệu đồng.

“Cam hái xong bán không ai mua, mà có bán cũng rẻ như bèo, không đủ bù công chăm sóc. Đến giờ gần 1.000 gốc cam có dấu hiệu vàng lá, quả chua, sần sùi chúng tôi buộc phải cắt bỏ hết. Để có được vườn cam này, vợ chồng tôi đã mất 5 năm để chăm sóc, mồ hôi chan đẫm từng gốc vậy mà giờ lại trắng tay”, chị Hoa ứa nước mắt.

Gia đình ông Thiều Sỹ Hùng, trú tại thôn 4, cũng lâm vào cảnh tương tự. Với thâm niên trồng cam hàng chục năm nhưng chưa khi nào gia đình ông lại phải tự tay cắt bỏ những gốc cam do chính tay mình trồng, chăm sóc như năm nay.

Ông Hùng xót xa cho biết, năm 2012, ông mua 400 cây giống của vợ chồng ông Tài Hồng tại xã Phúc Trạch với giá 20.000 đồng/cây về trồng. Sau thời gian chăm sóc, đến năm 2015, toàn bộ gốc cam này bắt đầu cho quả bói. Thế nhưng, đau xót thay, hiện nay, số gốc cam này không những đậu quả rất ít mà chất lượng còn rất kém.

Đầu tư - Hà Tĩnh: Dân xót đắng chặt bỏ cả nghìn gốc cam lâu năm (Hình 2).

Quả từ những cây cam "ngơ".

“Lúc mua về trồng, cây bình thường, phát triển tốt. Được năm đầu cho quả to, khá đẹp nhưng vỏ hơi dày, bán không được giá. Nghĩ một phần do chăm chưa đúng cách, hai vợ chồng bàn nhau giữ lại chăm sóc với hy vọng cải thiện chất lượng quả. Sang mùa vụ thứ hai, dù chế độ chăm sóc tốt nhưng quả nhỏ dần, chua và dày vỏ hơn. Đến nay, cây cao vổng lên, quả rất nhỏ và chỉ có cành chứ không có lá.

Vì quả kém chất lượng nên cam rất khó bán, thương lái thu mua với giá từ 2.000 – 10.000 đồng/kg mà phải năn nỉ họ mới đồng ý, trong khi cũng cùng một vườn nhưng giống cam ngon giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Vài ngày nữa tôi sẽ thuê máy đào toàn bộ gốc cam này để thay giống cây mới chứ càng để lâu càng thất thu”, ông Hùng xót xa nói.

Tương tự, bà Tôn Thị Thất, trú thôn 4, xã Hương Thủy cho biết, gia đình bà cũng có 1,3 ha với hơn 1.000 gốc cam trồng gần 4 năm nhưng cây kém phát triển, không cho quả. “Tôi đang bón thêm phân để xem cây có phát triển trở lại được không, nếu không được chắc cũng đành thuê máy để phá làm củi. Cũng không hy vọng cứu được gì nhiều nên tôi xác định sẽ cắt hết lứa cam này rồi mua bưởi Phúc Trạch về tự ghép vì sợ lại mua giống kém chất lượng. Đổ hàng trăm triệu vào cam mà giờ đành chấp nhận”, bà Thất nói.

Theo tìm hiểu, không riêng gia đình ông Hùng, chị Hoa, bà Thất mà đây là thực trạng của nhiều hộ dân thôn 4, xã Hương Thủy. Họ “dở khóc dở cười” khi mùa thu hoạch lại phải chặt bỏ cam đã được họ chăm sóc mấy năm trời. Quá bí bách, người dân đành ngậm ngùi thuê máy về phá bỏ để trồng giống cam hoặc bưởi mới.

“Thủ phạm” vẫn bí ẩn

 

Đầu tư - Hà Tĩnh: Dân xót đắng chặt bỏ cả nghìn gốc cam lâu năm (Hình 3).

Những cây cam càng chăm càng úa lá, còi cọc, cho quả ít và rất chua.

Trao đổi về vấn đề này với PV, ông Bạch Đình Hữu, Chủ tịch hội Nông dân xã Hương Thủy cho biết: “Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, cán bộ xã đã xuống tận nơi kiểm tra tình hình. Theo thống kê bước đầu, toàn xã có khoảng 10ha với hơn 5.000 cây cam cho quả kém chất lượng, cây không phát triển, tập trung nhiều nhất ở thôn 1, 2, 4 và 7.

Điều này khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh thất thu dù vụ cam năm nay đánh giá khá được mùa. Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên có thể do ảnh hưởng của mưa lũ, sâu bệnh, hoặc cũng có thể do chất đất chưa phù hợp, nguồn giống không đảm bảo chất lượng”...

Bàn về nội dung trên, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê cho hay: “Phòng đã nắm được sự việc trên và chỉ đạo xã vào từng hộ dân kiểm tra cụ thể số gốc cam kém chất lượng trên địa bàn.

Vì số cam này đã trồng cách đây 4 năm nên cơ quan chức năng sẽ phải đi đến từng hộ để xác minh sự việc. Cần phải kiểm tra người dân mua giống của ai, trong quá trình lấy giống có giấy tờ hoặc hợp đồng xác nhận hay không?. Huyện cũng yêu cầu địa phương báo cáo về phòng sớm để phòng phối hợp với đoàn kiểm tra, xử lý”.

Còn ông Võ Tá Tài, trung tâm Bảo tồn gen giống bưởi Phúc Trạch, lại khẳng định, giống cam cấp cho các hộ dân ở xã Hương Thủy luôn đảm bảo chất lượng. Cam trồng phát triển chậm và cho quả kém chất lượng có thể ở quy trình chăm sóc, bón phân hoặc thổ nhưỡng không phù hợp.

“Cây phát triển kém không thể đổ lỗi cho giống kém chất lượng mà phải nhìn các yếu tố từ thổ nhưỡng, khí hậu đến quy trình chăm bón. Vùng này ngập úng, nếu chăm sóc không đúng quy trình sẽ làm rễ cam thối, chảy mủ nên cam khó phát triển, cho quả kém”, ông Tài nhấn mạnh.

Rõ ràng, nguyên nhân gì thì đang phải chờ các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ còn người dân trồng phải cam “ngơ”, cam “dại” lại đang lâm vào tình cảnh thiếu vốn để tái đầu tư sau khi mất trắng hàng trăm triệu đồng. Những luống cam được người dân chăm bẵm gần 5 năm trời chan đẫm mồ hôi giờ đây phải đắng cay cưa bỏ.

Vấn đề cấp thiết nhất lúc này là cơ quan chức năng huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung thanh - kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra câu trả lời xác đáng nhất. Mặt khác phải đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất giống; ngăn chặn và xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trên địa bàn để tránh tình trạng này lặp lại, gây thiệt hại cho nông dân.

Sự việc một lần nữa cho thấy, tình trạng giống cây nông nghiệp kém chất lượng gây tổn thất lớn cho ngành nông nghiệp. Trước đó, vào khoảng tháng 4/2017, khi diện tích lúa vụ Đông Xuân đang chuẩn bị thu hoạch thì người dân các huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh tá hỏa phát hiện bệnh đạo ôn diện rộng trên giống lúa Thiên ưu 8.

Đáng nói, tại các địa phương này, diện tích gieo trồng những giống lúa khác chỉ bị rất nhẹ, hầu như không đáng kể, riêng diện tích trồng giống lúa Thiên ưu 8 thì thiệt hại rất nặng nề. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 20.000 ha bị sâu bệnh, trong đó giống lúa Thiên Ưu 8 thiệt hại hơn 17.000ha, chiếm gần 1/3 diện tích gieo, cấy. 

Theo tìm hiểu, Thiên ưu 8 là giống lúa được bà con nông dân mua, một số được cấp miễn phí theo chương trình hỗ trợ vùng bị bão lụt của Trung ương, do chi nhánh công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương tại miền Trung cung cấp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.