Trước những băn khoăn, lo lắng của cán bộ viên chức, công chức tại Hà Tĩnh về kỳ thi tuyển dụng lại công chức giai đoạn từ 1998 – 2017, tối 20/12, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với một vị lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Theo vị lãnh đạo này, những ngày qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nắm bắt được sự lo lắng của các cán bộ công chức, viên chức. Quan điểm của tỉnh là sẽ đề xuất, xin phương án, hình thức như thế nào để vừa công nhận, phát huy vai trò trách nhiệm của các cán bộ công, viên chức vừa để họ yên tâm công tác.
Vị lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh (đề nghị không nêu tên - PV) cho hay, những năm trước đây để đáp ứng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp nhận công chức không qua thi tuyển đối với những sinh viên tốt nghiệp đại học đạt loại xuất sắc theo tiêu chí của Chính phủ. Tuy nhiên, thời điểm đó, số lượng sinh viên đạt loại xuất sắc rất ít người có nguyện vọng về Hà Tĩnh làm việc nên tỉnh đã phải hạ tiêu chí xuống loại giỏi.
“Đây không phải là lỗi của họ mà là lỗi của tổ chức. Họ được nhận về bây giờ không thể bắt họ phải có điều kiện này điều kiện khác. Tỉnh đã có công văn đề xuất bộ Nội vụ xem xét, đồng ý cho Hà Tĩnh thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch công, viên chức, đảm bảo tiêu chuẩn điều kiện theo tinh thần của Kết luận 71 của Ban Bí thư và hướng dẫn của bộ Nội vụ" vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Cũng theo vị lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, sát hạch là kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục của cán bộ công chức, viên chức lâu nay còn thiếu cái gì? Nếu thiếu chứng chỉ tin học hay tiếng Anh thì cho cán bộ công chức, viên chức đi học bổ sung, thời gian cũng phải giãn ra chứ không thể kịp được. Thứ hai là xét quá trình công tác những người được tiếp nhận có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không?
Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang đề xuất với bộ Nội vụ phương án thành lập hội đồng sát hạch ngay tại cơ quan, đơn vị nơi các công chức viên chức công tác, tỉnh sẽ là đơn vị giám sát để tránh những tiêu cực có thể xảy ra.
Trước đó, trao đổi với báo chí, bà Phan Thị Tố Hoa, Giám đốc sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết, qua rà soát 20 sở ngành, 13 đơn vị cấp huyện, thị, đến ngày 17/12 có 308 công chức, 199 viên chức khối Nhà nước được tuyển dụng từ ngày 2/12/1998 đến ngày 28/12/2017 phải thi lại ngạch công chức, viên chức vì chưa qua thi tuyển do sai quy định về tuyển dụng.
Cũng theo bà Hoa, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi này đã được tỉnh này chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng; việc rà soát đối tượng thuộc diện phải thi lại cũng đã được tiến hành từ tháng 9/2020. Tuy nhiên, thực tế, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin Pháp luật, đến nay, hầu hết các đơn vị, sở, ban, ngành chưa thực hiện, hoàn tất việc rà soát; các cán bộ công, viên chức cơ sở hoang mang khi chỉ mới nhận được thông báo rà soát của đơn vị khoảng vài ngày nay và cũng chẳng biết mình thuộc đối tượng phải thi lại hay không? Trong khi theo kế hoạch tỉnh này đưa ra, kỳ thi lại công chức dự kiến sẽ được diễn ra trước ngày 22/12/2020 và vòng 2 trước 24/12/2020.
Ngoài khối Nhà nước, ngày 16/12, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng mới phát Công văn số 92/CV/BTVTU gửi tới các cơ quan thuộc khối Đảng, như ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy... đề nghị rà soát lại danh sách cán bộ, công chức, viên chức được tuyển dụng, tiếp nhận vào các cơ quan Đảng, Mặt trận và tổ chức Chính trị - Xã hội cấp tỉnh, huyện từ ngày 2/12/1998 đến ngày 28/12/2017 nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình và thủ tục. Ban Tổ chức Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị gửi báo cáo về Ban trước ngày 21/12, để thực hiện đúng kế hoạch khắc phục sai phạm trong tuyển dụng trước 31/12.
Thời gian gấp gáp, thông tin phải thi tuyển lại công chức sau 19 năm được tiếp nhận khiến các cán bộ, công viên chức vô cùng hoang mang, lo lắng nhiều ngày qua.
Trước đó, ngày 18/12, bộ Nội vụ cũng đã có Công văn số 6682/BNV-CCVC, phúc đáp, hướng dẫn Hà Tĩnh thực hiện việc tuyển dụng lại công chức do có sai phạm trong tuyển dụng. Theo đó, bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh căn cứ vào điều kiện thực tế của các trường hợp thuộc diện được khắc phục để lựa chọn một trong các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc tuyển dụng công chức, viên chức không qua thi tuyển để thực hiện lại quy trình tuyển dụng.
Công văn của bộ Nội vụ nêu rõ: “Các trường hợp này đã được cấp có thẩm quyền rà soát về tiêu chuẩn, điều kiện, nhận xét, đánh giá hoàn thành chức trách, nhiệm vụ và đề xuất khắc phục sai phạm trong tuyển dụng, không phải là tuyển dụng mới theo nguyên tắc cạnh tranh nên được rút gọn về thủ tục, thời gian trong quy trình thực hiện”.
Bộ Nội vụ hướng dẫn đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện được khắc phục sai phạm trong tuyển dụng nhưng bị người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng đánh giá không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phẩm chất đạo đức, uy tín thấp, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế của cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì thu hồi quyết định tuyển dụng.
Trường hợp trong thời gian làm việc vi phạm quy định về chính sách dân số nếu được cơ quan có thẩm quyền đề nghị cho khắc phục sai phạm thì đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cho được tham gia thực hiện lại quy trình tuyển dụng. Song, việc công nhận kết quả khắc phục sai phạm sẽ được bộ Nội vụ trao đổi với Ban tổ chức Trung ương báo cáo cấp có thẩm quyền thống nhất việc xử lý.