Thông điểm tắc
5 tháng, sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 28/2023/QĐ-UBND ngày 8/6/2023 về danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thay thế cho Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 14/01/2019 về ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó, đưa vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm ra khỏi danh mục đấu thầu tập trung cấp tỉnh thì các cơ sở y tế đã chủ động trong công tác mua sắm. Đến nay, Hà Tĩnh đã khắc phục được tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế phục vụ công tác thăm khám, chẩn đoán và điều trị sau một thời gian dài đối mặt.
Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, sau khi 16 gói thầu vật tư, hóa chất, sinh phẩm trong đợt đấu thầu tập trung lần 2 có kết quả, bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nhanh chóng thương thảo, ký kết hợp đồng cung cấp đối với những vật tư, hóa chất, sinh phẩm trúng thầu.
Cùng với đó, tiến hành song song mua sắm các vật tư ngoài Thông tư 04/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; mua sắm các vật tư, hóa chất hết hạn đấu thầu tập trung lần 1.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng Quản lý chất lượng bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, đến nay, cơ bản vật tư y tế hoá chất, sinh phẩm của bệnh viện đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.
Tuy nhiên có 06 gói thầu hết thầu 01/8/2023 (gồm các vật tư y tế kỹ thuật cao như : STENT can thiệp tim mạch, khớp gối, khớp háng…) nằm giữa giao thời các văn bản điều chỉnh nên đang trong quá trình tiến hành.
“Năng lực đấu thầu của các cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế, nhất là các bệnh viện vùng sâu, vùng xa nhân lực ít. Các văn bản quản lý về đấu thầu vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm trong quá trình sửa đổi, thậm chí là thí điểm như Thông tư 14/2023/TT-BYT quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hoá và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, nên dễ dẫn đến sai sót. Nguồn cung nhiều mặt hàng khan hiếm trên thị trường...”, đó là những khó khăn tại thời điểm hiện tại”, ông Chung nói.
Được biết, hiện, các gói thầu lớn đang được bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tiến hành các bước theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, vẫn tiến hành mua sắm các gói thầu nhỏ phục vụ nhu cầu cấp cứu bệnh nhân.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Lê Thị Cẩm Thạch, Trưởng phòng nghiệp vụ Dược - Sở Y tế nhấn mạnh: “Vẫn còn tình trạng một số ít đơn vị, cơ sở y tế chậm trễ, thiếu chủ động trong việc mua sắm. Tuy nhiên, nhìn chung, vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm ở hầu hết các bệnh viện trong toàn tỉnh khẳng định là không còn thiếu”.
Như vây, sau nhiều nỗ lực, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã giải được điểm tắc trong công tác mua sắm tập trung vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm nhưng lại đang “vướng khó” mua sắm các loại thuốc hướng thần.
Đứt gãy nhà cung ứng
Theo bà Lê Thị Cẩm Thạch, hướng thần là thuốc nằm trong danh mục nhóm thuốc đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong mổ cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng là nhóm thuốc “nhạy cảm” có nhiều quy định rất khắt khe, trong khi đó, không có khung giá cố định dẫn đến đứt gãy các nhà cung cấp.
Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh cũng cho hay, thời gian qua, trên cơ sở tháo gỡ của bộ ngành, UBND tỉnh, bệnh viện đã mua sắm được thuốc hướng thần để xử lý cấp cứu kịp thời cho người bệnh.
Được sự hỗ trợ của công ty Dược Hà Tĩnh, trong đợt 1, bệnh viện đã mua sắm được 9.000 viên thuốc hướng thần gây nghiện và 3.000 ống thuốc hướng thần gây nghiện. Điều này là vô cùng quan trọng trong công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại đây. Tuy nhiên, ông Phúc cũng tỏ ra lo lắng khi Thông tư 14 có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023, thì liệu các các nhà cung cấp có tiếp tục cung ứng cho đơn vị hay không?
Với đặc thù cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại bệnh viện Tâm Thần Hà Tĩnh, thuốc hướng thần là loại thuốc quan trọng trong phác đồ điều trị. Trước đây, đã có những thời điểm thiếu thuốc, khi có bệnh nhân lên cơn động kinh, bệnh viện phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên cấp cứu, nguy cơ chậm trễ trong việc cứu sống bệnh nhân.
“Tuần trước có một bệnh nhân 8 tuổi lên cơn động kinh, bệnh viện đã có thuốc nên xử lý cấp cứu kịp thời. Việc chủ động thuốc rất quan trọng trong quá trình cấp cứu vì liên quan đến tính mạng người bệnh”, ông Phúc nói.
Mổ xẻ nguyên nhân đứt gãy, khó khăn trong việc mua sắm loại thuốc hướng thần gây nghiện, ông Phúc cho rằng, do nhà cung ứng không mặn mà vì giá rẻ trong khi công tác quản lý, thanh kiểm tra, báo cáo loại thuốc này rất chặt chẽ. “Nhưng, chúng tôi đánh giá về trách nhiệm cộng đồng của các nhà cung cấp rất cao vì khó khăn như vậy nhưng họ vẫn cung ứng nguồn thuốc đảm bảo”, ông Phúc nói thêm.
Trước đó, Người Đưa Tin từng có loạt bài: “Giải” bài toán thiếu vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm tại Hà Tĩnh”. Loạt bài phản ánh tình trạng thiếu trầm trọng vật tư Y tế, hóa chất sinh phẩm tại các cơ sở y tế của tỉnh này khiến người bệnh thiệt thòi quyền lợi, đặc biệt, bệnh nhân tham gia BHYT; ảnh hưởng trực tiếp công tác khám, chữa bệnh. Thực trạng cấp bách đã khiến chính quyền, cơ quan chuyên môn tỉnh này khẩn trương tìm giải pháp, tháo điểm tắc. Đến ngày 8/6/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 28/2023/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 14/01/2019 về ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó, đưa vật tư y tế, hoá chất, sinh phẩm ra khỏi danh mục đấu thầu tập trung cấp tỉnh, cho phép các cơ sở y tế chủ động mua sắm.
Tuy nhiên, đến nay, một số ít cơ sở vẫn chưa tháo gỡ được hoàn toàn bài toán vật tư, sinh phẩm, hóa chất do năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ làm công tác đấu thầu, mua sắm còn hạn chế; một bộ phận cán bộ vẫn còn có tâm lý e dè, sợ sai nên việc mua sắm, đấu thầu tại một số đơn vị vẫn chưa đáp ứng theo tiến độ thời gian.