Thiếu nước sạch
Dùng xe máy chở từng can nước khe về để dùng, bà Trương Thị Cứ (SN 1976), trú thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, mấy tuần nay, nước máy cứ mất liên tục, khiến gia đình bà thiếu nước để dùng. Ngoài ra, màu nước không được trong như thường lệ nên bà phải dùng can đi lấy nước ở Khe U Bồng phía sau núi về dùng tạm.
“Gia đình tôi hiện dùng hoàn toàn bằng nước máy nhưng thời gian gần đây nước máy bị mất thường xuyên, những giờ có cũng chảy rất yếu, không đủ dùng nên tôi phải đi lấy nước ở khe về dùng. Thời tiết nắng nóng nữa nên rất cực nhọc”, bà Cứ nói.
Tương tự, gia đình chị Phan Thị Kim (SN 1989), cùng trú thôn Nam Sơn cũng gặp tình trạng tương tự. Chị Kim cho hay, thời gian gần đây, nước sạch mất thường xuyên, màu nước đục nên gia đình chỉ dám dùng sinh hoạt chứ không ăn.
“Trước đây, không có tình trạng mất nước như thế này, nhưng thời gian gần đây thường xuyên mất. Khi có cũng chập chờn, nước chảy ra từ vòi rất yếu khiến gia đình tôi không đủ nước sinh hoạt. Bình thường đã cực, nay nắng nóng lại càng cực hơn”, bà Hoàng Thị Đỉnh (SN 1963), trú thôn Nam Sơn chia sẻ.
Liên quan nội dung này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Từ Hữu Hạnh - tổ trưởng tổ cấp nước Thạch Bằng - Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc mất nước là do sự cố máy bơm nước thô từ đập Khe Hao của Trung tâm gặp sự cố từ ngày 20/7 đến nay chưa thể khắc phục. Để xử lý tạm thời, Trung tâm đã phải đặt thêm 1 máy bơm công suất 35kw trong thời gian chờ máy gửi từ nước ngoài về; tuy nhiên, vẫn không đủ lượng nước cấp cho người dân sử dụng.
Theo ông Hạnh, sự cố cháy máy bơm nước thô nói trên đã khiến hơn 3.000 hộ dân của 2 xã Thạch Kim và Thạch Bằng (huyện Lộc Hà) bị ảnh hưởng, thiếu nước sinh hoạt.
“Máy bơm nước thô công suất 75kw bị cháy, máy này chúng tôi phải gửi nước ngoài về nên kéo dài thời gian khắc phục sự cố. Ngoài ra, đường ống dẫn nước chính của trung tâm bị vỡ do Công ty 611 thi công dự án mở rộng sau khu điều dưỡng khiến chất lượng nước cũng bị ảnh hưởng”, ông Hạnh nói.
Cung không đủ cầu
Theo ông Nguyễn Mậu Đại, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh, nguyên nhân chính dẫn đến thiếu nước sinh hoạt cho các hộ dân tại đây là do công suất của nhà máy không đủ “cung”. Theo công suất thiết kế của nhà máy là 4000m3/ngày đêm, hiện lượng cấp đã vượt thiết kế, trung bình lên tới gần 5000m3/ngày đêm.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Trung tâm đã tăng cường 1 máy bơm nước thô, đảm bảo không có vùng nào mất nước hoàn toàn mà phải điều tiết cấp theo giờ, theo vùng. Dự kiến, sự cố sẽ được khắc phục trong 5 ngày tới khi máy bơm đặt từ nước ngoài được vận chuyển về.
Ngoài ra, ông Đại cũng thừa nhận, chất lượng nước không được trong như trước, nguyên nhân do nước thô được lấy từ cống xả đập Khe Hao chảy về hồ sơ lắng của Trung tâm, sau đó mới bơm lên bể xử lý. Do nước được lấy từ cống không phải nước tầng mặt, trong thời điểm nắng nóng gay gắt, đập trơ đáy dẫn đến chất lượng nước không được trong. Tuy nhiên, quá trình lấy mẫu xét nghiệm nước vẫn đủ tiêu chuẩn cho sinh hoạt.
“Để có giải pháp căn cơ lâu dài cho nguồn nước sạch, đảm bảo nhu cầu sử dụng cho người dân, vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt dự án cụm xử lý, nâng công suất nhà máy lên 6500m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư 8.5 tỷ, dự kiến sẽ đủ cung cấp toàn bộ khu vực. Dự án mới sẽ thiết kế 1 đường ống riêng chỉ lấy nước tầng mặt nên chất lượng nước thô sẽ đảm bảo hơn, hệ thống cũ sẽ được dùng dự phòng”, ông Đại nói.
Trước tình hình nắng nóng trên diện rộng, trước đó, ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hà Tĩnh từng lo ngại về nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù, thời gian qua, trên địa bàn có mưa nhưng lượng mưa “nhỏ giọt” chưa đủ bù lượng nước bốc hơi rất lớn từ các hồ, đập.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phát Công điện số 05 chỉ đạo các đơn vị và địa phương trong toàn tỉnh, chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trong đó, giải pháp tiết kiệm nguồn nước được ưu tiên hàng đầu.