Phối hợp chặt chẽ
Mới đây, Ban chỉ đạo (BCĐ) IUU tỉnh Hà Tĩnh vừa phát văn bản yêu cầu: Các lực lượng, đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau, tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức và đối tượng tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Trong đó, chú trọng những địa bàn trọng điểm áp dụng triệt để các biện pháp ngay từ trong bờ nhằm kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, kiên quyết ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp.
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có 2.668 tàu cá đã đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá quốc gia, đạt 100%. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6 đến dưới 12m là 2.207 chiếc; tàu có chiều dài từ 12 đến dưới 15m là 372 chiếc và tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 89 chiếc. Mặc dù, đội tàu nhỏ chiếm phần lớn nhưng công tác kiểm tra, giám sát gặp không ít khó khăn.
Ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, thành viên BCĐ IUU tỉnh Hà Tĩnh cho biết, quan điểm của BCĐ tỉnh là xử lý vi phạm thấu tình, đạt lý và không có ngoại lệ, vùng cấm. Thực chất việc răn đe không phải làm khó ngư dân mà đang bảo vệ quyền lợi, miếng cơm manh áo lâu dài cho bà con.
Đặc biệt, với 86 tàu cá đang khai thác vùng khơi, yêu cầu về chấp hành nghiêm các quy định Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo càng phải làm thật nghiêm. Hiện, 100% tàu đánh vùng khơi đã lắp đặt thiết bị VMS, còn 3 tàu hư hỏng, nằm bờ không hoạt động khai thác hải sản trên biển; các chủ tàu cá đã có cam kết bằng văn bản sẽ lắp đặt thiết bị VMS trước khi hoạt động trở lại.
Ông Thân Quốc Tế, Phó Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh cho hay, Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá đã và đang chủ động bố trí nhân lực kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định, đảm bảo thiết bị VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 đối với 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
“Duy trì kết nối VMS liên tục là yêu cầu bắt buộc nhằm kiểm soát tàu cá có vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài hay không; đồng thời là căn cứ truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác được. Do đó, nội dung này chúng tôi sẽ phối hợp các lực lượng liên quan điều tra, xác minh, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm mất kết nối VMS từ 6 tiếng trở lên, tàu cá mất kết nối trên 10 ngày, tàu cá vượt ranh giới trên biển”, ông Tế nhấn mạnh.
Truy xuất nguồn gốc thủy sản bằng phần mềm điện tử
Để hỗ trợ việc truy xuất nguồn gốc thủy sản thuận lợi, Tổng cục Thủy sản đã triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) đến từng ngư dân.
Theo đó, phần mềm eCDT sẽ liên thông giữa ngư dân - cảng cá - Bộ đội Biên phòng trong làm thủ tục ra, vào cảng cá. Ngư dân chỉ cần dùng điện thoại cung cấp thông tin qua hệ thống phần mềm, các đơn vị cảng cá, Bộ đội Biên phòng sẽ tiếp nhận, kiểm tra xử lý.
“Đây là phần mềm mới nên quá trình triển khai thực tế gặp một số khó khăn như: Yêu cầu phải có điện thoại thông minh kết nối internet trong khi ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu đang dùng điện thoại thường (do đi biển điện thoại dễ bị rơi, nước vào); ngoài khơi không có internet; các trạm kiểm soát biên phòng nhiều nơi chưa có mạng internet tốc độ cao; ngư dân chủ yếu là người nhiều tuổi, không thông thạo trong xử lý trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, bước đầu, ngư dân đều cố gắng chấp hành tốt…”, Phó Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh nói.