Trung ương ủng hộ quan điểm bảo vệ môi trường của Hà Tĩnh tại dự án mỏ sắt Thạch Khê
Nằm trong chương trình hoạt động phục vụ công tác sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chiều nay (15/11), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh về nội dung giải pháp phát triển tiềm năng kinh tế biển của tỉnh này.
Tại buổi làm việc, một lần nữa, những vấn đề dai dẳng, bức thiết về việc kiến nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thẳng thắn phân tích.
“Sáng nay, đoàn công tác đã đến mỏ sắt Thạch Khê, trực tiếp chứng kiến cuộc sống người dân vô cùng khổ sở. Các đồng chí cứ tưởng tưởng một huyện gần thành phố mà đào sâu 500m thì hệ luỵ sẽ như thế nào? Hiện nay, người ta vẫn băn khoăn 1.800 tỷ của nhà đầu tư sẽ xử lý ra sao nhưng chúng tôi cam đoan vấn đề này tỉnh sẽ có trách nhiệm…”, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.
Tận mắt chứng kiến cuộc sống tạm bợ, vô vàn khó khăn của người dân vùng mỏ trong chuyến thị sát vào sáng cùng ngày, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh rất chia sẻ và nhấn mạnh tại hội nghị: Các ban, bộ, ngành Trung ương luôn lắng nghe quan điểm của Hà Tĩnh về đề xuất dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê; ủng hộ quan điểm bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội. Để có cơ sở báo cáo Bộ Chính trị, Hà Tĩnh cần chuẩn bị kỹ các nội dung, đảm bảo cơ sở khoa học, chặt chẽ, từ đó, Trung ương sẽ sớm thảo luận và có ý kiến chính thức về dự án.
Hà Tĩnh đề xuất Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, tạo đà phát triển tiềm năng kinh tế biển
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đánh giá cao về tiềm năng kinh tế biển của Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đến nay, Hà Tĩnh chưa phát huy, phát triển xứng tầm với tiềm năng.
Đưa ra ví dụ so sánh với tỉnh Khánh Hoà, Cục trưởng Cục biển đảo - Bộ Tài nguyên Môi Trường Nguyễn Đức Toàn đánh giá Hà Tĩnh là vùng có tiềm năng phát triển kinh tế biển tương đương Khánh Hoà nhưng chưa phát triển được lớn mạnh như Khánh Hoà. Ngoài ra, tại khu Kinh tế Vũng Áng ngoài thép và điện, tỉnh phải chú trọng phát triển các ngành ứng dụng khoa học công nghệ cao…
“Đến nay, Hà Tĩnh là tỉnh đứng thứ 24 toàn quốc về kết quả chỉ số đánh giả bảo vệ môi trường. Đây là chỉ số rất tốt cho thấy Hà Tĩnh đã làm rất tốt công tác bảo vệ môi trường biển”, Cục trưởng Cục biển đảo Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh.
“Kinh tế biển của Hà Tĩnh trong những năm qua có thể coi là điểm sáng trong Nghị quyết 36. Kinh tế biển đã đưa Hà Tĩnh đạt được kết quả về tăng trưởng kinh tế như hôm nay cho thấy tỉnh đã bám sát những nội dung tại Nghị quyết 36”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng nói.
Nêu vấn đề về một số tồn tại đang vướng mắc khiến Hà Tĩnh khó khăn trong công tác phát triển kinh tế biển, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải kiến nghị, Chính phủ cần có sự đánh giá lại thực trạng rừng phòng hộ.
Theo chủ tịch UBND tỉnh, hiện, Hà Tĩnh đang vướng rất nhiều diện tích rừng phòng hộ nhưng không còn chức năng phòng hộ khiến việc quy hoạch, phát triển du lịch biển gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, từ trước đến nay Trung ương đến địa phương đều khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển nhưng hiện tại tỉnh này đang gặp khó khăn khi các cửa sông, cửa lạch đều gặp tình trạng bồi lắng, tàu, thuyền không thể vào cập cảng, cấp thiết phải nạo vét để khơi thông luồng lạch. Tuy nhiên, địa phương lại không có thẩm quyền “quyết” vì “vướng” phân quyền của Bộ GTVT và Bộ TNMT.
“Xuân Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng … các cảng này hiện tàu không thể vào cập cảng. Như cảng nước sâu Formosa (cảng Sơn Dương) từ 2016 đến nay cũng chưa nạo vét. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, bộ ngành có sự phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện để địa phương chủ động xử lý đúng thực tiễn để phát triển kinh tế”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải nói.
“Đề nghị đồng chí trưởng ban có những quan tâm để làm thế nào khai thác hiệu quả Cảng Lào - Việt và cũng sớm kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư đầu tư tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng. Tuyến đường này dài 554,7km nếu triển khai sẽ kết nối Viêng Chăn với Cảng Vũng Áng, kết nối tuyến đường sắt Lào – Trung Quốc và sẽ mở ra nhiều kỳ vọng phát triển cho cả nước”, Bí thư tỉnh Uỷ Hoàng Trung Dũng kiến nghị.
Hà Tĩnh đã cụ thể hoá được nhiều nội dung trong Nghị quyết 36
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kiến nghị thẳng thắn, đúng thực tế của lãnh đạo Hà Tĩnh; đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao của Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết và các chủ trương của Đảng; nỗ lực của tỉnh trong việc phát huy lợi thế cảng biển để thu hút đầu tư, góp phần phát triển ngành công nghiệp ven biển.
Tại Hà Tĩnh, tỉnh đã có những kết quả tích cực trong việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 36 và những chủ trương, định hướng của Đảng trong phát triển bền vững kinh tế biển; nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản đã đạt được kết quả tích cực; tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế Vũng Áng và các khu, cụm công nghiệp ven biển; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển; tích cực chủ đông huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra rằng, công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết 36 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển còn thiếu đồng bộ, thiếu liên kết; Kinh tế biển chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; Công nghiệp ven biển chưa thực sự tạo ra động lực tăng trưởng rõ rệt cho nền kinh tế; Hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng và các khu, cụm công nghiệp ven biển chưa đồng bộ; Quy mô sản xuất ngành thủy sản còn nhỏ; Hoạt động du lịch biển còn mang tính thời vụ; Chất lượng nguồn nhân lực ngành biển còn thấp…
Để thực hiện tốt Nghị quyết 36 trong thời gian tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế biển, nâng cao tỉ trọng đóng góp của kinh tế biển vào GRDP của tỉnh, phát triển theo hướng bền vững; Tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển; Sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch các khu kinh tế ven biển; Hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; Ngăn chặn triệt để ô nhiễm môi trường biển; Quan tâm đầu tư phát triển khoa học, công nghệ biển theo hướng tăng cường nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nhân lực biển…
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, tất cả những ý kiến, đề xuất của lãnh đạo Hà Tĩnh đề nghị các đồng chí đại diện các bộ, ngành trong đoàn công tác nghiêm túc tiếp thu, đặc biệt những ý kiến mang tính cấp bách phải báo cáo, truyền lại với Bộ, ngành để có phương án xử lý, giải quyết thoả đáng kịp thời.