Hà Tĩnh thu hồi “dự án treo” ở khu đất vàng

Hà Tĩnh thu hồi “dự án treo” ở khu đất vàng

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Nằm bên đường QL1A, khu “đất vàng” Bắc Cẩm Xuyên (thuộc xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) trước đây được xem là “bờ xôi, ruộng mật” của dân.

Nhưng sau 3 năm cấp cho DN Hoàng Gia Anh xây dựng nhà máy sản xuất thép hình và tôn lợp, thì nay hàng ngàn m2 đất tại khu đất này đang bị bỏ phí.

Phải chăng của chùa không cần thương xót?

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp phép cho Công ty TNHH Hoàng Gia Anh (số 98, đường Hà Huy Tập – TP Hà Tĩnh) sử dụng 14.543 m2 tại Cụm CN-TTCN Bắc Cẩm Xuyên, thuộc xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nhằm xây dựng nhà máy sản xuất thép hình và tôn lợp với công suất sản xuất thép hình 2.500 tấn/năm, tôn lợp 1.500 tấn/năm.

Xã hội - Hà Tĩnh thu hồi “dự án treo” ở khu đất vàng

Dự án này chỉ là một bãi đất trống, với một số đoạn tường rào táp lô nham nhở.

Chủ đầu tư cam kết sẽ tiến hành xây dựng nhà máy vào quý 2/2011 với tổng vốn đầu tư 30.777.636.000 đồng và đến quý 2/2012 sẽ hoàn thành, đưa toàn bộ dự án vào hoạt động. Vậy nhưng, sau gần 2 năm triển khai dự án, đến cuối tháng 10/2012, dự án sản xuất thép hình và tôn lợp chỉ là một bãi đất trống hoang, không hề có nhà máy, công xưởng..

Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc Công ty TNHH Hoàng Gia Anh cho rằng dự án đã được triển khai từ lâu, DN đã bỏ ra hàng tỷ đồng để san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào và thời gian tới sẽ xây dựng nhà xưởng như dự kiến…Tuy nhiên, theo quan sát của PV tại cụm TTCN Bắc Cẩm Xuyên, toàn bộ khu “đất vàng” của DN Hoàng Gia Anh chỉ một bãi đất trống, xung quanh mới xây được một số đoạn tường rào bằng gạch táp lô nham nhở.

"Xóa dự án cho dân nhờ"

Ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh cho biết, hiện cụm TTCN triển khai trên địa bàn xã Cẩm Vịnh có 4 doanh nghiệp được tỉnh cấp đất nhưng phần lớn chưa phát huy hiệu quả và chậm đầu tư. Công ty TNHH Hoàng Gia Anh sử dụng trên 1,3 hecta đất hai lúa trước đây của dân, nhưng đến nay chỉ xây được một số hàng rào bao quanh.

Xã hội - Hà Tĩnh thu hồi “dự án treo” ở khu đất vàng (Hình 2).

Người dân xót xa đứng nhìn “bờ xôi, ruộng mật” của mình bị bỏ phí.

Ông Chiến nói, tỉnh thu hồi đất của dân để cho DN phát triển, nên địa phương chấp hành. Khi DN đầu tư vào thì phải có hiệu quả, tạo việc làm cho lao động, đem lại nguồn thu cho nhà nước. Nhưng nay DN đầu tư kiểu để giữ đất thì tỉnh cần kiểm tra lại năng lực để cấp đất cho các DN khác, tránh trường hợp bỏ phí khu đất vàng trên. “Xã cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên tại các cuộc họp HĐND, các cuộc tiếp xúc cử tri chứ quyền quyết định là ở tỉnh…”, ông Chiến nói. Việc “đất vàng” bị bỏ hoang, chậm đầu tư không chỉ chính quyền địa phương lo lắng mà nhiều hộ dân bị thu hồi đất cũng không khỏi xót xa, ngao ngán, tiếc nối.

Nhìn mảnh đất hai lúa trước đây mình canh tác nay bị bỏ phí, ông Nguyễn Văn Lâm, một người dân thôn Tam Trung, xã Cẩm Vịnh cho hay: “Mảnh đất này trước đây là “bờ xôi, ruộng mật” của dân, nhưng khi tỉnh thu để cho DN phát triển công nghiệp chúng tôi không tính đến thiệt thòi. Giờ DN bỏ phí thế ai mà không tiếc. Chúng tôi đề nghị chính quyền các cấp xem xét lại, nếu dự án khả thi thì triển khai, không thì xóa đi cho người dân đỡ khổ”.

Hà Tĩnh sẽ thu hồi trong thời gian tới

Ông Hoàng Văn Sơn – phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết: Liên quan đến việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy phép cho Cty TNHH Hoàng Gia Anh xây dựng nhà máy sản xuất thép hình và tôn lợp tại Cụm CN-TTCN Bắc Cẩm Xuyên (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), nhưng sau gần hai năm không thực hiện dự án như cam kết, trong thời gian tới sẽ tiến hành thu hồi theo luật định.

“Vừa qua Sở đã thành lập đoàn kiểm tra và xác định dự án thuộc chậm đầu tư buộc phải thu hồi” – ông Sơn nói.

Công Lâm


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.