Trước đó, ngày 17/5, ông Võ Đức Đại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã ký ban hành Văn bản số 210/PGDĐT, hướng dẫn triển khai giải pháp giải cứu lợn cho người chăn nuôi trên địa bàn.
Nội dung văn bản ghi rõ: "Thực hiện chủ trương của huyện, công văn của Liên đoàn Lao động huyện kêu gọi đoàn viên chia sẻ với những khó khăn của người chăn nuôi lợn… Phòng hướng dẫn các trường thực hiện theo các nội dung sau: Tiếp tục vận động mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký ít nhất 10kg thịt lợn hơi/tháng/người theo giá lợn hơi tối thiếu: 30.000 đồng/kg”.
Sau khi văn bản này được ban hành, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, cũng như trong đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành giáo dục huyện Can Lộc.
Nhiều ý kiến cho rằng, phòng GD&ĐT đang vận động cán bộ, giáo viên hưởng ứng chủ trương của Liên đoàn Lao động huyện Can Lộc kêu gọi "giải cứu lợn", nhằm giúp đỡ người chăn nuôi vượt qua khó khăn trước mắt, khi giá lợn hơi đang xuống thấp và không tiêu thụ được.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng văn bản này ban hành một cách cứng nhắc, máy móc, mang hình thức ép buộc hơn là vận động và không đúng với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị chuyên môn quản lý về giáo dục. Hơn nữa, việc xác định giá lợn hơi tối thiếu 30.000 đồng/kg là thiếu căn cứ... Ngoài ra, trong Văn bản số 210/PGDĐT còn có nội dung: Có thể trực tiếp mua ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn (ưu tiên các hộ nuôi liên kết, tổ hợp tác), là chưa đảm bảo tính công bằng giữa các thành phần kinh tế…
Trước tình hình đó, ngày 23/5, UBND huyện Can Lộc đã ban hành Văn bản số 710/UBND-VP, yêu cầu phòng GD&ĐT Can Lộc thu hồi văn bản "giải cứu lợn" đã ban hành trước đó.
Theo nội dung văn bản UBND huyện Can Lộc: “Ngày 17/5/2017, phòng GD&ĐT đã ban hành Công văn số 210/PGDĐT, về hướng dẫn triển khai giải pháp giải cứu lợn cho người chăn nuôi trên địa bàn là chưa đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị làm cho một bộ phận cán bộ, giáo viên và nhân dân hiểu sai về bản chất vấn đề việc chia sẻ khó khăn cho người chăn nuôi.
UBND huyện yêu cầu phòng GD&ĐT thu hồi ngay Công văn số 210/PGDĐT ngày 17/5/2017, về hướng dẫn triển khai giải pháp giải cứu lợn cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện để kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Liên đoàn lao động huyện, Công đoàn ngành GD&ĐT huyện tích cực tuyên truyền rõ đây là cuộc vận động với tinh thần tự nguyện để mỗi cán bộ, đoàn viên hưởng ứng tuỳ theo từng điều kiện, khả năng của mình, phù hợp với từng đơn vị và mỗi cá nhân”.
Trao đổi với PV, ông Võ Đức Đại, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Can Lộc cho biết, sau khi nhận được văn bản của UBND huyện, phòng GD&ĐT đã triển khai thu hồi văn bản hướng dẫn triển khai giải pháp "giải cứu lợn" cho người chăn nuôi trên địa bàn, gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận được ban hành trước đó.
Xuân Chinh