Trần Thu Hà (Hà Trần) sẽ hát bài chủ đề trong chương trình Tâm điểm Âm nhạc kỳ 6: Chuyện tình của biển gồm toàn bài hát của Thanh Tùng 30-3 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị. Có mặt ở Hà Nội để chuẩn bị cho chương trình, chị nói về tương lai của con gái ở Mỹ và album được mong chờ với nhạc sĩ Đỗ Bảo sắp ra mắt.
Hà Trần muốn con gái trở thành công dân quốc tế để ở đâu cũng sống được, và trước tiên phải trở thành một người Mỹ đã?
Đúng rồi. Nói chung phải là một đứa đẻ ra bên đấy hoàn toàn, thụ hưởng toàn bộ nền giáo dục bên đấy. Sống bên đấy, hít thở không khí bên đấy. Thành người Mỹ thì cơ hội của con mới nhiều. Chứ như mình cứ bị nửa nạc nửa mỡ.
Hình như lúc mới sang Mỹ, Hà cũng có ý tưởng khẳng định mình trong môi trường Mỹ, tức là vượt khỏi cộng đồng người Việt?
Cũng manh nha đấy, nhưng sự quyến luyến với sự nghiệp, với khán giả cứ giằng qua kéo lại. Nếu muốn “đi” phải thành “ông Tây” hẳn, thì lại không ở đây được, không thích hợp với kiểu này.
Tại sao không thử một phen nhỉ? Vì sự nghiệp trong nước của Hà dù sao cũng định hình rồi.
Đúng. Nhưng khi mình đã có sự nghiệp, mình vẫn phải đi tiếp, duy trì. Ở đây, mình thành định hình rồi, tính Việt Nam, Á châu của mình nhiều quá. Ở Mỹ muốn thành công ở môi trường bên ngoài mà vẫn còn giữ gốc Á châu nhiều quá thì khó.
Không cứ gì âm nhạc, ngay trong phim ảnh, người thành công được ở Mỹ thì chỉ có bộ mặt là Á châu, còn tất cả nội dung bên trong là Mỹ. Hà không quan điểm bắt con theo nghề bố mẹ theo kiểu nối dài ước mơ của mẹ. Nếu nó thích ngành gì thì cứ theo ngành đấy, nhưng phải thành công ở bên ngoài.
Ngoài việc duy trì sự nghiệp, Hà có còn là người cấp tiến, còn mang nhiều nhiệt huyết để đột phá trong âm nhạc?
Vẫn có một cái thuộc về bản tính: Lúc nào cũng thích đi đường ít người đi, cái đường Indie- làm cái gì người ta ít làm. Đó vừa là niềm vui vừa khơi nguồn sáng tạo. Cứ bảo chỉ duy trì sự nghiệp, nhưng lấy vốn đâu ra duy trì. Có những ngôi sao vẫn duy trì được sự nghiệp nhưng chẳng có gì mới, quốc tế cũng như Việt Nam. Họ vẫn làm mọi việc rất thận trọng nhưng tại không có gì để đổ thêm vào.
Làm nghề này nói hơi ác như là quỷ ăn hồn mình ấy. Vì mình là người sáng tạo thì mình cứ rút lõi, rút mãi thì cũng hết. Giếng múc mãi cũng cạn thì mình phải đổ từ những nguồn khác vào. Thì những dự án bên lề của Hà như là ra tập thơ, ra đĩa nhạc Indie hoặc đi làm những chuyện chẳng liên quan- đấy là những cái nạp năng lượng cho Hà. Nếu Hà thiếu những cái đấy, Hà sẽ rất khô khan trong chuyện hát. Cứ hát những bài quen thuộc mãi, ai mà nuôi được cảm xúc. Luôn luôn phải có cái gì đó mới, không nhất thiết phải là âm nhạc.
Ở tuổi này, có thể nhìn lại sự nghiệp với con mắt rất bình thản. Mình không có áp lực phải làm cái gì đó kinh khủng hay phải leo lên đến đâu nữa. Mình cũng có cái nhìn bình thản với những người xung quanh, tất cả mọi chuyện đang dồn lên dập xuống của showbiz không đụng chạm vào Hà nữa. Mình thấy hài lòng với cuộc sống như thế.
Dự án với Đỗ Bảo có ý nghĩa thế nào trong giai đoạn sự nghiệp này của Hà?
Đó là album mang tính dấu mốc với người bạn nghề lâu năm. Nó sẽ là một kỷ niệm để nhiều năm sau nghe lại vẫn còn thích. Đĩa này hơi trầm, giống như đĩa Trần Tiến, hơi mang tính cá nhân.
Đỗ Bảo được xem là người khá quyết đoán và cầu toàn trong công việc, vậy Hà Trần làm sao để góp phần sáng tạo của mình vào đĩa này?
Thực ra làm đĩa này Bảo đã dọn đường đến 90% rồi. Anh ấy kiêm mọi khâu, Hà chỉ len vào phần hát thôi. Phần hát Bảo can thiệp cũng nhiều đấy nhưng Hà cũng vẫn hát theo kiểu của Hà. Bài Bảo viết tình cảm, lời rất khá, gọn, chặt chẽ hơn những chùm bài trước.
Có vẻ đây là đĩa nhạc sĩ đặt hàng ca sĩ chứ không phải ngược lại?
Trước kia lâu rồi, khi Bảo nói muốn làm album chung, Hà có nói luôn là Hà không muốn hát những bài chỉ về tình yêu. Bây giờ hát những cái đấy, Hà thấy rất nhạt miệng. Đối với Hà phải là những câu chuyện có đời sống, có số phận của nhiều người trong đó.
Cảm ơn chị!
> Đọc thêm: 'Tôi yêu em không phải vì nhẫn, mà vì em là Yvonne Thúy Hoàng'
Hà Giang (Theo Tiền phong)