Lóng Luông nhiều vợ chồng trẻ con
Là một trong những địa phương có con số tảo hôn cao của tỉnh Sơn La, xã Lóng Luông huyện Mộc Châu từ năm 2005 đến nay có khoảng 390 cặp kết hôn thì có đến 204 cặp vợ chồng tảo hôn ở lứa tuổi từ 12 đến 17 tuổi, chiếm gần 52% cặp vợ chồng đã kết hôn.
Theo Chủ tịch UBND xã ông Tếnh A Chìa, dân cư trong xã đa số là đồng bào Mông, chiếm gần 87% dân số, thế nên một số gia đình, dòng họ còn bị hủ tục trói buộc, chưa nhận thức rõ Luật Hôn nhân và gia đình, dẫn đến vi phạm.
Lương Thị Tình kết hôn từ 17 tuổi suýt chết trong lần sinh nở con đầu lòng. |
Ở Sơn La, không riêng gì Lóng Luông mới có nhiều vợ chồng trẻ con. Theo ông Trần Đình Thuận, Chi cục phó DS-KHHGĐ tỉnh Sơn La, ở các xã Vân Hồ tỷ lệ tảo hôn là 68% so với tổng số cặp kết hôn, Lóng Sập (huyện Mộc Châu) chiếm 49%, Kim Bon, Tân Lang (huyện Phù Yên) từ 25,4 đến 39%, Tà Xùa (huyện Bắc Yên) là 35%, Muổi Nọi (huyện Thuận Châu) là 27%.
Kết quả điều tra trong 3 năm 2007 – 2009) cho thấy dân tộc có nhiều trường hợp tảo hôn cao là dân tộc Mông chiếm 33%, dân tộc Thái chiếm 23,1%, dân tộc Mường chiếm 15,8%.
Em Lường Thị Tình dân tộc Thái ở bản Áng 2 huyện Mộc Châu lấy chồng từ tuổi 17, người nhỏ chưa phát triển hết nên khi sinh con đầu lòng suýt mất mạng.
Kể lại chuyện của mình em rầu rầu: “Lấy chồng sớm khổ lắm chị à”. Nghe được câu than này của con dâu, bà Lường Thị Xuyến mẹ chồng em cao giọng: “Không lấy thì để đến 20 tuổi là ế, trai nào nó theo”. Con gái bà Xuyến, chị chồng của Tình cũng lấy chồng năm 16 tuổi. Đội múa xòe của ba bản Áng 1, 2 và 3 toàn những cô gái Thái xinh đẹp tuổi trên dưới 20, nhưng cô nào cũng đã có chồng, thậm chí đã có hai con.
Tuyên truyền đủ nhưng… người dân không nghe
Trao đổi với PLVN về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Lóng Luông, ông Trần Văn Minh, Phó phòng Tư pháp huyện Mộc Châu cho biết, theo kế hoạch của UBND huyện, tháng nào phòng cũng phối hợp với UBND các xã thuộc huyện để tuyên truyền pháp luật, trong đó có Luật HN-GĐ. Tuy nhiên, người dân nghe xong để đó, ít làm theo vì trong suy nghĩ của họ hủ tục, lề thói vẫn còn rất nặng nề.
Trước thực trạng tảo hôn, tảo hôn và kết hôn cận huyết ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng cao, UBND tỉnh Sơn La đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhằm thực hiện có hiệu quả “Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và KHCHT, góp phần nâng cao chất lượng dân số”.
Trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ pháp lý, phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình trong đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ở 26 xã có tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết cao như: Tà Xùa, Phiêng Côn (huyện Bắc Yên), Kim Bon, Tân Lang (huyện Phù Yên), Lóng Luông, Vân Hồ, Lóng Sập (huyện Mộc Châu), Nậm Lạnh, Mường Và (huyện Sốp Cộp) và một số xã có nhiều dân tộc thiểu số của tỉnh…
Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết vẫn còn ở mức cao, dẫn đến hậu quả nhiều trường hợp trẻ em sinh ra bị còi cọc, suy dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao, thậm chí còn bị dị dạng, mù màu ảnh hưởng trực tiếp đến nòi giống…
Hạ đồng nghĩa với hệ lụy?
Theo Luật HN-GĐ hiện hành, tuổi được phép kết hôn hiện nay của nữ là 18, nam là 20. Sau 13 năm thực thi, Báo cáo tổng kết thi hành luật cho thấy về tính phù hợp với thực tiễn, tuổi kết hôn theo Luật hiện hành chưa gắn với đặc thù về tuổi kết hôn trong tập quán ở một số cộng đồng các dân tộc ít người thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bởi trên thực tế, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại ở các nhóm cộng đồng này.
Thế nên, trong quá trình sửa luật, câu chuyện về nên giữ hay hạ độ tuổi kết hôn đã nhiều lần làm nóng bàn nghị sự cũng như các diễn đàn báo giới.
Xuất phát từ thực tiễn địa phương, đóng góp ý kiến cho quá trình sửa luật, Sở Tư pháp Sơn La đề xuất Luật HN&GĐ cần sửa đổi bổ sung và quy định cụ thể hơn về độ tuổi kết hôn để đảm bảo sự thống nhất, dễ áp dụng, phù hợp với thực tiễn và phong tục tập quán của một số dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong cả nước nói chung.
TS Ngô Thị Hường, Trường ĐH Luật Hà Nội lập luận việc xác định tuổi được kết hôn phải dựa trên cơ sở tâm sinh lý của người kết hôn và phong tục tập quán địa phương nơi họ sinh sống. TS Hường đã mạnh dạn đề xuất hạ độ tuổi kết hôn đối với nữ xuống 17 tuổi, thậm chí 16 tuổi.
TS Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam thì cho rằng, bên cạnh việc nên giữ nguyên độ tuổi kết hôn như hiện nay, luật cũng nên có quy định “mềm” đối với người dân tộc thiểu số vốn có truyền thống dựng vợ gả chồng sớm hơn quy định trong luật hiện hành…
Tuy nhiên, quan điểm hạ độ tuổi kết hôn của các nhà làm luật đã bị phản ứng quyết liệt từ các chuyên gia y tế, xuất phát từ quan điểm, trên phương diện y học, người nữ 16 tuổi chưa thể đủ chín chắn, chưa có nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản để có thể làm một người mẹ tốt. Chưa kể đến việc đó có thể là nguyên nhân làm bùng nổ dân số, số ca đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ tăng lên, số trường hợp mổ đẻ cũng tăng cao bởi ở tuổi 16 nữ giới chưa phát triển đầy đủ.
Mặt khác, theo pháp luật hiện hành, nhiều giao dịch (về bất động sản, tín dụng...) đòi hỏi chủ thể của giao dịch phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Như vậy, quy định này của Luật HN-GĐ hiện hành gây ra những khó khăn khi vợ chồng giao kết hợp đồng với người thứ ba.
Hơn nữa, về tư cách tố tụng, khoản 3 Điều 57 Bộ luật TTDS quy định một cá nhân chỉ có thể tự mình tham gia quan hệ tố tụng khi đã đủ 18 tuổi trở lên. Theo quy định của Luật HN-GĐ, vợ chồng có quyền tự do yêu cầu ly hôn, trong đó có cả trường hợp người vợ chưa đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, quyền tự do ly hôn của người vợ không thể thực hiện nếu đến thời điểm có yêu cầu ly hôn, họ chưa đủ 18 tuổi.
Khi thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan, đặc biệt là Nghị định số 110/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, việc xác định hành vi vi phạm bạo lực gia đình, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vợ là khó khăn vì nếu vi phạm ngay sau khi kết hôn thì người vi phạm chưa đủ 18 tuổi, chưa thành niên….
Theo Hồng Minh (Pháp luật Việt Nam)