Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Chuẩn chi Ngân sách Hạ viện Mỹ, bà Rosa DeLauro đã giới thiệu dự luật tiếp tục cấp kinh phí ngắn hạn cho Chính phủ đến đầu tháng sau.
Trong tuyên bố đưa ra khi giới thiệu dự luật, Hạ nghị sĩ DeLauro nói rằng nước Mỹ cần một thỏa thuận cấp kinh phí cho chính phủ để tạo ra việc làm được trả lương cao, tăng cơ hội cho tầng lớp trung lưu và bảo vệ an ninh quốc gia.
Hạ nghị sĩ DeLauro nêu rõ, dự luật này là kết quả của đàm phán giữa hai đảng và hai viện, sẽ kéo dài thời gian cấp kinh phí đến hết ngày 11/3/2022 để duy trì hoạt động của chính phủ trong khi Quốc hội hoàn thành công việc quan trọng của mình.
Dự luật này được giới thiệu sau khi các nhà đàm phán hàng đầu tại Quốc hội phải vật lộn trong nhiều tháng để đạt được thỏa thuận về cấp ngân sách cho chính phủ trong tài khóa 2022, bắt đầu từ 01/10/2021-30/9/2022.
Ngày 8/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời trên. Đây là dự luật chi tiêu tạm thời thứ 3 được thông qua tại Mỹ trong chưa đầy 5 tháng qua.
Thực tế, cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều phát đi tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng với một thỏa thuận tạm thời khác. Cuối cùng, 51 thành viên đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu "đồng ý" với đảng Dân chủ tại Hạ viện.
Thỏa thuận mới sẽ có hiệu lực đến ngày 11/3/2022. Điều này giúp cho các nhà lập pháp có thời gian để nhất trí về gói chi tiêu dài hạn, lớn hơn nhằm chi trả cho phần còn lại của tài khóa hiện tại, tức là đến ngày 30/9/2022.
Trong gần một thập kỷ qua, Mỹ đã ghi nhận 3 lần chính phủ đóng cửa vào năm 2013, tháng 1/2018 và tháng 12/2018. Những lần chính phủ ngừng hoạt động này đã dẫn đến hàng chục nghìn nhân viên trong lĩnh vực không thiết yếu bị cho nghỉ phép và những người ở các vị trí trọng yếu khác thì buộc phải làm việc mà không được trả lương.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VOV)