Với những tiếng hô vang “Ukraine!”..., hầu như tất cả các Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ có mặt và các thành viên Đảng Cộng hòa hôm 20/4 đã phá vỡ tình trạng bế tắc lập pháp kéo dài nhiều tháng và thông qua khoản viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine, với tỉ lệ phiếu ủng hộ trên phiếu phản đối là 311:112.
Nguồn viện trợ đến vào thời điểm quan trọng đối với đất nước trong cuộc chiến với Nga, khi Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cảnh báo rằng nếu không có sự giúp đỡ từ Mỹ – nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho quốc gia Đông Âu, Ukraine có thể sẽ mất khả năng phòng thủ trước Nga vào cuối năm nay.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các nhà lãnh đạo châu Âu ca ngợi động thái của Hạ viện Mỹ, nhưng một vài trong số họ cảnh báo rằng bản thân Liên minh châu Âu (EU) cần hành động để gửi thêm sự hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine trước viễn cảnh về những cuộc tấn công khốc liệt của Nga trong những tháng tới.
Châu Âu phải làm nhiều hơn nữa
“Tôi hoan nghênh việc Hạ viện Mỹ thông qua một gói viện trợ lớn mới cho Ukraine”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội. "Ukraine đang sử dụng vũ khí do các đồng minh NATO cung cấp để tiêu diệt sinh lực địch. Điều này giúp tất cả chúng ta an toàn hơn ở châu Âu và Bắc Mỹ”.
Một sĩ quan cấp cao của Ukraine đã chào đón tin tức về cuộc bỏ phiếu hôm 20/4 bằng từ “Tuyệt vời”. Nhưng khi được hỏi sẽ mất bao lâu để tiếp viện tới tiền tuyến, ông nói điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. “Có thể mất vài tuần và vài tháng”, vị quan chức nói với Politico.
Các nhà lãnh đạo và quan chức quân sự Ukraine cho rằng Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công vào tháng 6 hoặc tháng 7, và họ nói rằng việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng của Ukraine gần đây là một chiến dịch tiền tấn công.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 20/4 bày tỏ lòng biết ơn về việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ quân sự cho đất nước ông.
“Cảm ơn nước Mỹ!”, ông Zelensky đăng trên X/Twitter hôm 20/4. Ông viết: “Dự luật viện trợ quan trọng của Mỹ được Hạ viện thông qua ngày hôm nay sẽ giữ cho chiến sự không lan rộng, cứu sống hàng nghìn hàng nghìn sinh mạng và giúp cả hai quốc gia của chúng ta trở nên hùng mạnh hơn”.
“Chúng tôi rất biết ơn Hạ viện Mỹ vì quyết định lịch sử này”, bà Ivanna Klympush-Tsintsadze, cựu phó Thủ tướng Ukraine và hiện là nhà lập pháp đối lập trong Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada), nói với Politico.
Sau kết quả tại Hạ viện Mỹ, dự luật vẫn cần có sự chấp thuận của Thượng viện Mỹ trước khi được chuyển đến bàn làm việc của ông Biden để ký ban hành. Trước đó, tình hình bế tắc lập pháp ở “xứ cờ hoa” trong vài tuần qua đã thúc đẩy châu Âu tìm kiếm viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine.
Một số nhà lãnh đạo EU đã tranh thủ dư âm của cuộc bỏ phiếu ở Mỹ để kêu gọi châu Âu không nên tự mãn và mất đà khi sự hỗ trợ mới của Washington dự kiến sẽ sớm đến Kiev.
“Hy vọng cuộc bỏ phiếu này sẽ khuyến khích tất cả các đồng minh xem xét kho hàng của họ và làm nhiều hơn nữa”, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết trên X/Twitter.
“Bây giờ cũng là lúc để nhớ rằng EU phải tăng cường sản xuất vũ khí, đạn dược và vật tư để hỗ trợ Ukraine trên cơ sở lâu dài”, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billström cho biết. “Cuộc bỏ phiếu tối nay cho thấy sự cần thiết của việc này. Chúng tôi cũng phải tự làm bài tập về nhà của mình”, ông nói.
Người đồng cấp Cộng hòa Séc của ông, Ngoại trưởng Jan Lipavský, lặp lại quan điểm này khi nói: “Châu Âu cũng phải làm nhiều hơn nữa. Sự do dự và thiếu quyết đoán của chúng ta trong việc hỗ trợ hiệu quả cho Ukraine… khiến nhiều sinh mạng phải trả giá hơn”.
Một thử thách quan trọng đối với châu Âu sẽ diễn ra vào ngày 22/4, khi 27 Ngoại trưởng EU tập trung tại Luxembourg để lên kế hoạch viện trợ quân sự trong tương lai cho Ukraine. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine dự kiến sẽ tham gia cuộc thảo luận theo hình thức trực tuyến.
Trước cuối tuần, các đồng minh châu Âu trong NATO đã cam kết đẩy mạnh chuyển giao các hệ thống phòng không sẵn có cho Ukraine, theo Tổng Thư ký NATO Stoltenberg.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, quan chức chủ chốt đằng sau nỗ lực mới nhất nhằm bổ sung các hệ thống phòng không cho Kiev, đã ca ngợi động thái lập pháp của Mỹ.
“Đây là một ngày lạc quan cho Ukraine và an ninh châu Âu”, bà Baerbock nói trên X/Twitter.
Phản ứng của Nga
Dự luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua, ngoài khoản viện trợ cho Ukraine, còn có viện trợ cho Israel và các đồng minh khác của Washington ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và một điều khoản khiến Nga giận dữ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 20/4 cho biết, việc Hạ viện Mỹ phê duyệt viện trợ an ninh cho Ukraine sẽ dẫn đến nhiều thiệt hại và thương vong hơn trong cuộc xung đột ở đó.
Các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Peskov nói rằng quyết định này “sẽ làm cho nước Mỹ giàu có hơn, hủy hoại Ukraine hơn nữa, và dẫn đến cái chết của nhiều người Ukraine hơn nữa…”
Ông Peskov cũng nói rằng các điều khoản trong luật cho phép chính quyền Mỹ tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và chuyển cho Ukraine để tài trợ cho việc tái thiết quốc gia Đông Âu sẽ làm hoen ố hình ảnh của Mỹ. Vị quan chức Điện Kremlin cho biết Nga sẽ ban hành các biện pháp trả đũa, nhưng không đưa ra chi tiết.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram, cho biết việc phê duyệt viện trợ của Mỹ cho Ukraine là điều được lường trước.
Ông Medvedev, người hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, bày tỏ tin tưởng vào khả năng chống chịu của Nga trước bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào từ các khoản viện trợ quân sự được phân bổ, cho rằng chúng chỉ làm lợi cho các tổ hợp quân sự-công nghiệp của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, việc Mỹ phê duyệt viện trợ cho Ukraine, Israel… sẽ “làm sâu sắc thêm các cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới”.
Minh Đức (Theo Politico EU, Washington Post, Reuters)