Hiếu PC tên đầy đủ là Ngô Minh Hiếu sinh năm 1989, theo VnExpress, anh từng được Mỹ đánh giá là một trong những hacker nguy hiểm nhất thế giới, hiện tại, anh dùng trí tuệ của mình giúp ích cho nước nhà.
Ngô Minh Hiếu, sinh ra tại một thị trấn ở Gia Lai, được chính quyền Mỹ miêu tả là "một trong những tên trộm khét tiếng nhất từng được ân xá trong nhà tù liên bang".
Hiếu còn được ví như nhân vật Frank Abagnale trong phim Catch Me If You Can do Leonardo DiCaprio thủ vai. Giống nhân vật Frank Abagnale, Hiếu thực hiện các vụ lừa đảo trong nhiều năm trước khi bị bắt, sau đó quay lại giúp đặc vụ Mỹ bắt thêm tội phạm. Anh cũng được ví như Rami Malek trong bộ phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ Mr. Robot - một người trải qua thời thơ ấu trong một cửa hàng máy tính do người chú làm chủ và tự học tin học.
Hiếu phải chấp hành 13 năm tù do bán hồ sơ của 13.000 người trong số hơn 200 triệu hồ sơ người Mỹ anh đánh cắp được từ nhiều nguồn. Do cải tạo tốt, bản án 13 năm được giảm xuống còn 7 năm và anh được thả tự do vào ngày 20/11/2019. Ngày 4/8/2020 Hiếu PC được trả tự do về Việt Nam.
Sau khi về nước anh sinh sống ở TP. HCM và giúp đỡ mọi người nâng cao nhận thức an ninh mạng, giảng dạy an ninh mạng cho sinh viên, những người quan tâm đến bảo mật. Anh cũng là chuyên gia tại Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia Việt Nam (NCSC). Hiếu chia sẻ, anh quyết tâm không quay lại thời kỳ "đen tối" như trước và mong muốn cải thiện các vấn đề về an ninh mạng tại Việt Nam hiện tại.
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân của mình, Hiếu PC đã khuyến cáo mọi người nên từ bỏ nền tảng nhắn tin hàng đầu hiện nay là Messenger. Điều này đã khiến không ít người lo ngại khi nền tảng nhắn tin này đang cực kỳ phổ biến tại Việt Nam.
Lý do chính được Hiếu PC đưa ra, chính là việc Facebook không mã hóa tin nhắn trên Messenger. “Facebook đang trì hoãn tung ra bản cập nhật quan trọng, thêm tính năng mã hóa dữ liệu cho Messenger mà không có lý do. Việc trì trệ nâng cấp bảo mật của Facebook có thể khiến các vấn nạn trên mạng trở nên trầm trọng hơn.
Forbes nhận định việc Facebook không mã hóa tin nhắn trên Messenger là không tôn trọng dữ liệu người dùng. Vào năm 2018, trong bài phỏng vấn với Vox CEO Mark Zuckerberg thừa nhận công ty này có thể nhận biết những tin nhắn có nội dung nhạy cảm, và chặn người dùng gửi các tin nhắn như vậy”, Hiếu PC chia sẻ.
Điều này đặt ra dấu hỏi lớn về vấn đề bảo mật và quyền riêng tư trên các nền tảng của Facebook. Trong bài viết, Hiếu PC cũng chỉ ra: “Một trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng người xấu tiếp cận trẻ em thông qua Messenger. Hiện nay, Messenger cho phép mọi người nhắn tin cho nhau mà không cần lưu số điện thoại hoặc kết bạn từ trước.
Việc mã hóa Messenger gần như là một động thái không hề tồn tại và điều duy nhất Facebook đang làm là cố gắng kiểm soát các nội dung độc hại”.
Ngoài ra, Hiếu PC cũng khuyên người dùng nên dần chuyển sang các ứng dụng như Whatsapp, Telegram, Viber, Signal. Những ứng dụng nhắn tin này có mã hoá đầu và cuối, nên chỉ những người trong cuộc hội thoại mới biết được nội dung tin nhắn.
Trước thông tin mà Hiếu PC chia sẻ, nhiều người vô cùng lo lắng về việc đánh mất quyền riêng tư trên ứng dụng nhắn tin Messenger. Tuy nhiên, việc từ bỏ một ứng dụng nhắn tin quen thuộc để chuyển sang một ứng dụng khác là điều khó để thay đổi.
Quốc Tiệp (t/h)