Chiều hôm qua 8/6, tờ Washington Post đưa tin cho hay, các hacker người Trung Quốc đã đánh cắp bí mật tác chiến của Hải quân Mỹ thông qua việc tấn công máy tính một nhà thầu quốc phòng. Tuy nhiên, tên của nhà thầu này chưa được tiết lộ.
Theo đó, tài liệu bị đánh cắp là “kế hoạch bí mật của Mỹ nhằm phát triển tên lửa chống hạm siêu thanh được trang bị trên tàu ngầm cho tới năm 2020”. Vụ tấn công tài liệu diễn ra từ tháng 1 và tháng 2/2018.
Khoảng 614 gigabytes dữ liệu về một chương trình mang tên “Sea Dragon” (Hải Long) cũng đã bị đánh cắp, Washington Post cho hay. Tuy nhiên, tờ báo này chỉ cung cấp bấy nhiêu thông tin, do họ đã cam kết giữ bí mật một số chi tiết về chương trình tên lửa này theo đề nghị của Hải quân Mỹ. Phía Hải quân Mỹ cho rằng, nếu thông tin được tiết lộ thêm thì có thể sẽ gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Do đó, cho tới nay dư luận vẫn chưa rõ thực chất chương trình Hải Long chứa những gì, song Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng (DARPA) của Mỹ đã hoàn thiện quá trình phát triển một tàu nổi chống ngầm, không người lái với cái tên gần giống như tên chương trình trên, vào gần cùng thời điểm mà vụ hack diễn ra.
Cái tên mà DARPA đặt cho con tàu này là Sea Hunter (Thợ săn biển), và cơ quan này đã chuyển quyền sở hữu con tàu sang cho Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ vào hồi đầu tháng Hai.
Song đó chỉ là suy đoán, hiện vẫn chưa rõ có mối liên hệ nào giữa Sea Dragon và Sea Hunter hay không.
“Chúng tôi đã có các biện pháp yêu cầu các công ty thông báo với Chính phủ khi một “sự cố mạng” xảy ra mà có tiềm năng gây hậu quả tiêu cực tới mạng lưới của họ, vốn chứa những thông tin tuyệt mật”, một phát ngôn viên Hải quân Mỹ nói trước khi bình luận thêm về sự cố hacker Trung Quốc tấn công.
Sau sự việc này, truyền thông Mỹ nêu lên quan ngại về sự thiếu kiểm soát của Hải quân Mỹ đối với các nhà thầu quốc phòng nước này. Hiện Hải quân và cục Điều tra Liên bang đang tiến hành xem xét vụ việc.
Xem thêm: NÓNG: Hàng ngàn lính Syria ùn ùn đổ về phía Nam, báo hiệu trận đánh lớn