Trong những năm gần đây, hàng loạt vụ tấn công mạng vào hệ thống máy tính của nhiều cơ quan chính phủ, đài truyền hình và doanh nghiệp tại Mỹ đã được phát hiện có nguồn gốc từ Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là mục đích mà hacker Trung Quốc nhắm tới trong những vụ tấn công trên là gì?
Trung Quốc theo đuổi mục tiêu trở thành "thủ lĩnh thông tin" khi thực hiện các cuộc tấn công mạng. |
Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp các cơ quan chính phủ, tòa soạn, hệ thống phục vụ ngành công cộng, các công ty tư nhân cùng hàng trăm mục tiêu khác trở thành đối tượng của chiến binh không gian mạng Trung Quốc.
Kể từ năm 2004, công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ đã bắt tay vào truy tìm nguồn gốc của các vụ tấn công mạng trên khắp thế giới. Kết quả là ít nhất 140 công ty, mà phần lớn tại Mỹ, bao gồm Google, DuPont, Apple, Thời báo New York, tờ Bưu điện Washington, cùng máy tính của các chuyên gia, công ty luật, nhóm hoạt động nhân quyền và đại sứ quán nước ngoài đã bị chính hacker Trung Quốc tấn công, đánh cắp dữ liệu.
Thậm chí, một công ty cung cấp phần mềm an ninh mạng cho cơ quan tình báo Mỹ cũng trở thành mục tiêu của hacker Trung Quốc, với mục tiêu làm gián đoạn hoạt động của các đường ống dẫn nhiên liệu và mạng lưới điện quốc gia.
Ngoài ra, những hacker tinh ranh của Trung Quốc còn đánh cắp thông tin mật về quá trình phát triển chiến đấu cơ F-35 từ nhà thầu Lockheed Martin. Các trụ sở quốc hội và cơ quan liên bang của Mỹ cũng không nằm ngoài tầm ngắm của hacker Trung Quốc. Năm 2007, Lầu Năm Góc thông báo cơ quan này bị hacker tấn công song không thông báo chi tiết về những dữ liệu thông tin bị đánh cắp.
Điểm mặt hacker Trung Quốc
Cách đây 10 năm, nhiều vụ tấn công mạng được thực hiện bởi những hacker Trung Quốc hoạt động độc lập. Tuy nhiên trong những năm gần đây, một số hacker đã chuyển sang hợp tác với chính phủ Trung Quốc. Theo chuyên gia chống tấn công phần mềm Joe Stewart, số vụ tấn công mạng đã tăng lên gấp đôi trong thời gian qua với sự góp mặt của 10 nhóm hacker tại Trung Quốc, mà chính phủ nước này đóng vai trò hậu thuẫn và chỉ đạo trực tiếp kế hoạch tấn công.
Mục đích để Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công mạng
Trung Quốc xem các cuộc tấn công mạng như một hoạt động kinh doanh quốc tế và cạnh tranh quân sự hợp pháp, đồng thời theo đuổi mục tiêu trở thành "thủ lĩnh thông tin".
Sau thời gian phân tích và truy lùng nguồn gốc của các vụ tấn công mạng, công ty Mandiant đã phát hiện nhiều vụ tấn công nhắm tới Mỹ có xuất xứ từ một tòa nhà 12 tầng nằm tại ngoại ô thành phố Thượng Hải, thuộc sự kiểm soát của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Ước tính khoảng 2.000 nhân viên với trình độ tiếng Anh sừng sỏ trong lĩnh vực máy tính đang làm việc tại cơ sở này.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ những lập luận trên, đồng thời cáo buộc kết luận của công ty Mandiant là "vô căn cứ" và "vô trách nhiệm".
Sử dụng thông tin đánh cắp kiếm lời
Những thông tin bí mật về hợp đồng làm ăn trong lĩnh vực tài chính và chính sách của các công ty nước ngoài giúp hacker Trung Quốc kiếm được khoản lợi khổng lồ khi bán cho giới doanh nghiệp trong nước.
Ví dụ, một số công ty năng lượng sẽ giành được ưu thế trong các phiên giao dịch thương lượng khi biết trước đối thủ cạnh tranh sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho bản hợp đồng mua lại các khu vực khai thác dầu mỏ. Trước đây, nhiều công ty Trung Quốc từng bị công ty DuPont kiện vì nghi ăn cắp bản quyền phương pháp sản xuất hóa chất trong lĩnh vực sản xuất nhựa dẻo và sơn.
Ngoài Trung Quốc, giới hacker đến từ Nga, Triều Tiên và Iran cũng thường xuyên tấn công các trang mạng của Mỹ.
Viễn cảnh tồi tệ khi xảy ra các cuộc tấn công mạng
Hàng loạt đoàn tàu trật bánh khỏi đường ray; hệ thống kiểm soát không phận với hàng ngàn chuyến bay đang thực hiện hành trình bỗng ngừng hoạt động; nhiều nhà máy sản xuất hóa chất và đường ống dẫn dầu nổ tung; mất điện trên diện rộng tại nhiều khu vực kéo dài hàng tuần và thậm chí hàng tháng... là những viễn cảnh mà giới chuyên gia an ninh mạng Mỹ lo ngại có thể xảy ra trong tương lai khi hứng chịu các cuộc tấn công từ hacker Trung Quốc.
Tuy nhiên, nguy hiểm hơn là những chiến binh không gian mạng từ quốc gia đông dân nhất thế giới thực hiện tấn công vào hệ thống máy tính lưu trữ lượng lớn thông tin tài chính bí mật của ngân hàng, có khả năng gây gián đoạn hoạt động của toàn hệ thống tài chính thế giới trong vòng nhiều năm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Leon Panetta - từng đưa ra lời cảnh báo rằng hiện nay, các hacker Trung Quốc đang ngang nhiên thử nghiệm nhiều phương pháp tấn công vào hệ thống phòng thủ an ninh mạng của giới ngân hàng, hệ thống phục vụ công cộng và các cơ quan chính phủ của Mỹ.
Theo Infonet