Tuy nghèo, hai anh em vẫn nhân từ phúc hậu thường hay bố thí chén cơm, chén gạo cho kẻ già yếu tật nguyền. Trong nhà có nuôi con chó cái, lúc nó đẻ ra một con chó trắng chỉ có ba chân. Làng xóm cho là quái vật hiện lên khuấy phá bảo giết đi, anh em chẳng những không giết mà còn nuôi dưỡng con chó đến ngày khôn lớn.
Một hôm hai anh em đang ngồi ăm cơm, chợt thấy một lão ăn mày chống gậy vào cửa xin cơm. Cả hai đều nhường cơm cho lão ăn mày ăn no. Ăn xong ông lão ăn mày nói: "Tiếng đồn quả thật không sai, hai anh em một nhà đều là người nhân đức, đáng được thưởng. Ta nay không phải là kẻ ăn mày nghèo khó mà là thần giữ kho vàng Sơn Tây, lúc nãy muốn thử lòng các ngươi, nay ta đã biết rồi. Ta muốn ban cho các ngươi kho vàng".
Ông lão ăn mày tức thần giữ cửa kho vàng tiếp rằng: "Ngày xưa có một vị quan Tàu tên là Mã Kỳ, có chôn giấu tại một khu vườn thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Sơn Tây (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) một kho vàng và phong ta làm thần giữ cửa, đúng hẹn một trăm năm thì cho người trở lại lấy. Ta trông đợi mãi, hơn một trăm năm rồi chẳng hề thấy người của Mã Kỳ trở lại, nhân thấy các ngươi nghèo khó mà có lòng nhân đức nên ta định đem kho tàng tặng cho các ngươi. Nhưng các ngươi phải đợi đủ một trăm ngày, và phải có con chó trắng (tức chó cò) ba chân đem trước cửa kho tàng, tức là tòa miếu cổ ở khu vườn, bắt nó sủa ba tiếng, tự nhiên cửa kho tàng bên một cái bệ đá sẽ mở ra. Thôi, các ngươi hãy cố nhớ lời, ta xin kiếu.
Nói rồi, thần giữ cửa biến đi. Hai anh em đợi đúng một trăm ngày, dắt con chó cò đến miếu hoang, tới bên cái bệ đá, bắt con chó sủa lên ba tiếng, tức thì một cánh cửa đặt ngầm trong cái bệ đá mở toang, nhìn vào trong thì thấy một dãy chum vại nằm kề bên nhau. Hai anh em bước vào mở nắp chum vại ra xem thấy toàn vàng và bạc. Đem về đếm được một nghìn cân vàng và ba vạn cân bạc.
Từ đó, hai anh em trở nên giàu có lớn. Gặp lúc Mạc Đăng Dung chiếm đoạt ngôi nhà Lê, hai anh em nhờ người cận thần tiến dẫn đem biếu Mạc Đăng Dung một trăm cân vàng, một trăm cân bạc. Vua Mạc cho thâu nhận rồi phong cho hai anh em tước Quận Công.
Cách ba năm sau, có năm sáu người láng giềng Trung Hoa dắt một con chó trắng đến ngay tòa miếu chôn của mở cửa kho tàng, họ chỉ thấy kho vàng trống trơn. Họ kêu khóc thảm thiết. Hai anh em Quận Công sai người đến hỏi thì họ đáp rằng: "Chúng tôi là con cháu Mã Kỳ ở bên Trung Quốc, trăm năm trước tổ phụ của chúng tôi có để tại Sơn Tây một kho tàng châu báu, hiện còn gia phả để lại đàng hoàng, nhưng chúng tôi đến đây rồi, thì kho vàng không biết ai đã lấy mất rồi, vì vậy chúng tôi buồn khổ mà khóc".
Hai anh em Quận Công nói rằng: "Nhờ thần nhân chỉ bảo, nên anh em chúng tôi lấy được kho vàng". Sau đó, anh em nọ thương tình đã cho 6 người đi tìm vàng một số của cải để trở về...
Luật nay: Tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác
Tưởng chừng câu chuyện trên đơn giản là một câu chuyện của người xưa kể lại cho con cháu nghe để răn dạy những điều tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày. Đó chính là tình yêu thương đồng loại, sự đùm bọc cưu mang... Bằng sự chân thành của mình mà anh em nọ được trả công bằng cả một kho vàng. Tuy nhiên, họ đâu biết kho vàng kia là số tài sản rất lớn của người khác đang cất giữ.
Trong câu chuyện trên, giả sử chúng ta đặt ra các tình huống pháp lý để xử lý vụ việc thì sẽ như thế nào? Việc anh em nhà nọ vô tình hay cố ý có được kho vàng là việc làm hoàn toàn sai trái. Trên thực tế, họ nhận thức được rằng kho vàng đó không phải là của mình, đáng lẽ ra họ phải trình báo lên cơ quan chức năng biết để có hướng xử lý. Hành vi ấy được hiểu là chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Đồng thời khi mấy người Trung Hoa trở lại tìm của cải của chính cha ông họ để lại có đầy đủ bằng chứng, làm đơn tố giác đến cơ quan công an thì anh em nhà kia khó mà thoát tội được.
Chiếu theo các quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về Tội chiếm giữ trái phép tài sản tại: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Và khoản 2 của điều luật này quy định: Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Như nội dung câu chuyện trên đưa ra thì hành vi này có thể cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản, quy định tại Điều 141 BLHS, nếu tài sản chiếm giữ trái phép...
TƯỜNG LINH