Hai anh em ruột ở Hà Nội tử vong do vi khuẩn Whitmore: Chưa đủ bằng chứng về việc lây cho nhau

Hai anh em ruột ở Hà Nội tử vong do vi khuẩn Whitmore: Chưa đủ bằng chứng về việc lây cho nhau

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 2, 18/11/2019 15:32

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho hay, với trường hợp hai trẻ cùng một nhà tử vong do nhiễm vi khuẩn Whitmore, chưa đủ bằng chứng để khẳng định hai bé lây cho nhau.

image

Hai trẻ trong một gia đình tử vong do vi khuẩn Whitmore

Xem video: 

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội thông tin về vi khuẩn Whitmore

Một cặp vợ chồng ở Đô Lương, Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội mất đi 3 đứa con trong vòng 7 tháng (từ tháng 4/2019 đến nay), trong đó 2 bé tử vong do vi khuẩn Whitmore. Theo đó, hai bé tử vong là bé T.C.V. (SN 20/10/2014) và em trai bé là T.Q.H. (SN 30/4/2018).

Theo người nhà anh T.V.C (bố của các bé), sau khi bé H. qua đời tại bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình đã đưa về nhà và lo hậu sự ngay trong ngày 16/11. Sự ra đi của bé mới được 18 tháng tuổi, mập mạp, bụ bẫm, còn chưa cai sữa mẹ là nỗi đau đớn tột cùng của gia đình cặp vợ chồng này, khi trước đó, bé đầu tiên đã mất trong tháng 4, bé thứ hai mất tháng 10 vừa qua.

Theo báo cáo ngày 12/11 của Trung tâm Y tế Sóc Sơn (Hà Nội), bé gái đầu tiên là T.Q.T (sinh năm 2012, học sinh lớp 1) đã tử vong tại bệnh viện Xanh Pôn nhưng không liên quan đến vi khuẩn Whitmore.

Tin nhanh - Hai anh em ruột ở Hà Nội tử vong do vi khuẩn Whitmore: Chưa đủ bằng chứng về việc lây cho nhau

Báo cáo về hai ca bệnh tử vong từ trung tâm y tế huyện Sóc Sơn.

Bé trai thứ hai là T.C.V (sinh năm 2014) xuất hiện sốt 38,5oC, kèm theo đau bụng vào ngày 27/10/2019, và không điều trị gì. Đến 5h sáng ngày 28/10/2019, bệnh nhi được gia đình đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị. Đến 21h ngày 31/10/2019, bé T.C.V tử vong tại bệnh viện với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhi được lấy mẫu máu xét nghiệm ngày 30/10/2019 cho kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei (gây ra bệnh Whitmore).

Bé trai thứ ba kể trên có biểu hiện sốt 38,5oC trong ngày 10/11, đến 9h ngày 11/11, gia đình đưa bé đến trung tâm Y tế xã Bắc Sơn, sau đó được chuyển đến bệnh viện đa khoa Sóc Sơn lúc 11h cùng ngày. Nhận thấy tình trạng nguy hiểm của bệnh nhi, các bác sĩ đã tiếp tục chuyển bé đến bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo bác cháu bé, đến ngày thứ tư, bé T.Q.H. có kết quả xét nghiệm máu dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei. Bác sĩ đã tăng thuốc kháng sinh liều cao, nhưng sau đó thông báo là thuốc không đáp ứng để diệt vi khuẩn và chỉ định lọc máu.

Cũng theo báo cáo của trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, cả ba bé đều khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật. Gia đình có bảy người, ngoài ba bé còn có ông bà nội và bố mẹ bệnh nhi. Nhưng hiện nay, qua điều tra gia đình và các hộ xung quanh không phát hiện thêm trường hợp có biểu hiện tương tự.

Chưa có bằng chứng lây từ người sang người

Liên quan đến thông tin đang gây xôn xao dư luận, người dân Thủ đô hoang mang, lo lắng. PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến từ ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.

Theo đó, nói về sự việc hai trẻ trong một gia đình tử vong ở Sóc Sơn, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết: “Đây là hai anh em, một bé SN 2014, một bé SN 2018. Hà Nội tính từ đầu năm đến nay ghi nhận hai ca ở Sóc Sơn là hai trường hợp đầu tiên tử vong do vi khuẩn Whitmore”.

Trước thông tin người dân lo lắng bệnh này lây nên mới khiến hai trẻ trong một gia đình tử vong, ông Nguyễn Nhật Cảm thông tin: “Đối với bệnh này, chưa có bằng chứng lây từ người sang người, là bệnh có từ rất lâu năm, số mắc bệnh rải rác và bệnh không gây thành dịch. Những trường hợp có nguy cơ cao là bệnh mãn tính, bệnh lý nền như tiểu đường, tim, mạch, thận… Đặc biệt, những người làm ở khu vực tiếp xúc đất, nước không có dụng cụ bảo hộ”.

Tin nhanh - Hai anh em ruột ở Hà Nội tử vong do vi khuẩn Whitmore: Chưa đủ bằng chứng về việc lây cho nhau (Hình 2).

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội chia sẻ với PV về hai trường hợp tử vong ở Sóc Sơn do vi khuẩn Whitmore.

“Hai trường hợp ở Sóc Sơn, qua điều tra dịch tễ về mặt xung quanh khu vực cũng như khu vực lân cận không phát hiện trường hợp nào mắc bệnh tương tự. Nên nếu nói do hai bé lây nhau chưa đủ bằng chứng, vì hiện nay theo y văn vi khuẩn Whitmore rất khó lây từ người sang người mà lây qua tiếp xúc trực tiếp như bị xây xước, tổn thương”, ông Nguyễn Nhật Cảm thông tin thêm.

Cũng trao đổi với PV, ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo: “Không riêng Sóc Sơn mà tất cả các khu vực người dân lưu ý nên vệ sinh cá nhân, dùng các trang thiết bị bảo hộ khi tiếp xúc với đất và nước ô nhiễm. Tiếp đó, khi có biểu hiện bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong. Vì vậy, người dân cũng không nên quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch, số mắc cũng rất ít”.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết thêm: “Bệnh không lây thành dịch, tuy nhiên việc hai bé trong cùng một gia đình tử vong, ở cùng một địa điểm thì đây là điều rất đáng quan tâm. Chúng tôi tiếp tục điều tra, khuyến cáo người dân những biện pháp phòng chống, chủ động theo dõi và tiếp tục có những khuyến cáo tiếp theo”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.