Bán con vì... cần tiền
Đầu tháng 8/2011, Sia đã rủ Nu về nhà mẹ đẻ của mình tại bản Dào Xa, xã Lao Chải (Mù Cang Chải - Yên Bái) chơi, đồng thời tìm kiếm việc làm để tăng thu nhập. Vốn rất nghèo khó nên khi được Sia rủ thì Nu đã nhận lời ngay. Trong khi đó, cả hai đều có con nhỏ nên để thuận tiện cho việc chăm sóc, trong lần đi này, Sia đã mang theo con của mình là cháu Giàng A Tê (SN 2011) còn Nu cũng đưa con mình là cháu Mùa A Ty (SN 2010) đi theo. Vốn có mối quan hệ từ trước với một người phụ nữ tên là Giàng Thị Sâu (SN 1972) bản Lao Chải, xã Lao Chải (Mù Cang Chải) nên khi đến đây cả Sia và Nu đã được Sâu nhận vào làm việc trong gia đình mình.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, Sia lại là một người nghiện ma túy, do đó những giờ làm việc cật lực trên nương đã nhanh chóng bòn rút sức lực của người phụ nữ này. Mỗi ngày không được "hít" một ít chất "ngai ngái" ấy, Sia đờ đẫn như người mất hồn. Trong đầu Sia luôn viển vông suy nghĩ: Làm cách nào để kiếm được tiền để thỏa mãn cơn nghiện? Biết bao suy nghĩ được đặt ra nhưng do sức khỏe không có nên Sia đành chấp nhận vật vã chống lại những cơn đói thuốc.
Xét xử lưu động một vụ án buôn người tại Lai Châu. (Ảnh minh họa)
Biết được hoàn cảnh, con người của Sia, Sâu đã gợi ý với Sia: "Nếu mày muốn có tiền thì tao chỉ cho cách. Mày bán thằng Tê con mày đi, nếu cần thì tao dắt mối cho". Lúc đấy nghe Sâu nói thế Sia cũng không bằng lòng lắm, bởi dù sao Tê mới chỉ được vài tháng tuổi, vẫn đang khóc ngằn ngặt đòi sữa. 9 tháng trời mang nặng đẻ đau, giờ mà bán nó đi thì ăn nói thế nào với những người thân trong nhà?
Thế rồi, trong một lần lên cơn vật thuốc, mồ hôi vã ra như tắm, toàn thân đau nhức như có kiến cắn trong từng đốt xương, Sia đã đi đến quyết định: Hay là mình nghe theo chị Sâu, dù sao thằng Tê vẫn còn nhỏ. Biết đâu cuộc đời nó sẽ khác chứ không phải sống trong cảnh nghèo hèn túng quẫn như thế này? Hơn nữa mình lại vừa có tiền để hít ma túy lại có thể chi tiêu được một số khoản trong cuộc sống gia đình...
Nghĩ là làm, ngay lập tức, Sia đã quay lại và lân la hỏi Sâu xem có chỗ nào để bán con. Nhận được sự thỉnh cầu của Sia, biết là con mồi đã sập bẫy, Sâu lấy điện thoại gọi cho một người đàn bà tên Sung khoảng 40 tuổi người dân tộc Mông ở huyện Mường Khương (Lào Cai) để cho hai người này nói chuyện với nhau. Qua cuộc điện thoại chóng vánh, Sia đã chấp nhận bán con đẻ của mình với giá 8 triệu đồng và hẹn hôm sau sẽ trực tiếp đưa cháu Tê lên tận huyện Mường Khương để bán cho Sung.
Sáng sớm ngày hôm sau, Sia và Sâu đưa cháu Tê lên để bán cho Sung. Tuy nhiên, khi mới nhìn thấy cháu Tê, Sung đã chê cháu nhỏ và giảm giá xuống còn 6 triệu đồng. Thấy Sung nói như vậy, sau một lúc e ngại, nhưng được sự "góp ý" của Sâu hơn nữa lại đang rất cần tiền để chi tiêu, phục vụ cho việc hút xách, Sia đã gật đầu đồng ý và trao đứa con vẫn còn đang ngủ say trên lưng rồi quay đầu ra về, không cần biết con mình sẽ như thế nào?
Về Mù Cang Chải, thấy Sia không địu Tê, và có mang theo một số đồ mới nên Nu đã dò hỏi: "Thằng Tê con mày đâu rồi?". Sia chẳng ngần ngại trả lời: "Tao bán nó rồi, được 6 triệu cơ đấy!". Nghe Sia nói vậy, lúc đầu Nu còn bất ngờ. Tuy nhiên nghe những lời thủ thỉ của Sia, Nu cũng dần hiểu và quay ra dỗ dành, đút cơm cho con của mình. Cứ tưởng rằng, Nu sẽ không bao giờ làm cái việc bất nhân như Sia nhưng chỉ khoảng 5 ngày sau, Nu lại được Giàng Thị Sâu lân la thuyết phục. Không một chút mảy may Nu đã gật đầu đồng ý. Và cũng giống như cháu Tê con của Sia, cháu Ty con của Nu chỉ được Sung trả 6 triệu đồng. Qua việc dắt mối bán con, Sâu đã lấy của Sia và Nu mỗi người 1 triệu đồng và đưa cho họ mỗi người 5 triệu đồng.
Trước những việc làm trái với luân thường đạo lý, ngày 28/8/2011, Giàng Thị Sâu, Hờ Thị Sia, Giàng Thị Nu đã bị Công an tỉnh Lai Châu bắt giữ điều tra làm rõ vụ việc. Chỉ đến khi trong nhà tạm giam, cả 3 đối tượng trên mới nhận thấy hành vi vi phạm pháp luật của mình. Với tội danh: Mua bán trẻ em, ngày 18/12/2011, TAND tỉnh Lai Châu đã tuyên phạt: Giàng Thị Sâu 8 năm tù giam, Hờ Thị Sia và Giàng Thị Nu mỗi người 2 năm tù giam.
Ẩn họa được báo trước
16 tuổi, Sia đã cất bước về nhà chồng, tính đến thời điểm bị bắt Sia đã có gần 9 năm mang thiên chức làm vợ, làm mẹ. Thế nhưng, nói trên danh nghĩa làm vợ chứ thực ra ngần ấy năm trời, Sia chẳng khác gì một "nô lệ". Đau đớn hơn, người mà Sia chấp nhận lấy làm chồng lại là một kẻ nghiện ma túy mà đến tận lúc hai bên gia đình làm lễ cưới, Sia mới hay. Chính vì thế, thời gian Sia ở trên nương, trong rừng còn nhiều hơn ở nhà. Bởi nếu không lên nương cấy lúa, trồng ngô, không lên rừng tìm kiếm rau củ quả thì sẽ không có tiền mua thuốc phục vụ cho người chồng của mình.
Trẻ em vùng cao luôn là đối tượng mà nhóm buôn người hướng đến. (Ảnh minh họa)
Quần quật như thế, nhưng hễ cứ hết tiền mua ma túy, chồng của Sia lại hành hạ người vợ đáng thương của mình bằng những trận đòn vô cớ. Có nhiều lần, Sia bị chồng đánh cho đến ngất. Sau khi tỉnh lại, Sia nghĩ mình nên chốn quách đi cho nó nhẹ nợ, nhưng nghĩ đến hai đứa con, một đứa đang lẫm chẫm tập đi, một đứa đang oe oe khóc ngặt đòi sữa Sia đành phải chấp nhận nín nhịn, cam chịu làm "phận trâu, kiếp ngựa" mà chẳng dám oán thán than trách với ai.
Giá như thấy người chồng nghiện ngập, người vợ sẽ rút ra được bài học cho mình, đằng này Sia lại "sa bẫy" vào những "làn khói trắng". Một lần dùng thử, hai lần dùng thử rồi Sia "thèm" cái cảm giác "khác lạ" lúc nào chẳng hay.
Một mình chồng nghiện đã khốn khó lắm rồi, đằng này cả hai vợ chồng cùng nghiện khiến gia cảnh của gia đình Sia càng thêm khốn quẫn. Cấy được mẻ lúa nào, hay trồng được nương ngô nào, cứ thu hoạch xong là lại bay biến mất. Đứa con lớn của vợ chồng Sia, năm nay đã 6 tuổi đầu mà chưa một lần được đến trường, mùa đông nó chỉ co ro trong làn áo mỏng, có khi còn chẳng có quần mà mặc, chẳng khác gì con nai, con hoẵng trên rừng.
Giàng Thị Nu cũng chẳng khác Sia là mấy. Không biết chữ, không nghề nghiệp, quanh năm chỉ biết đến cây lúa, cây ngô trên nương, thời gian còn lại Nu vào rừng tìm rau, kiếm củi để trang trải thêm cho gia đình. Cuộc sống gia đình Nu cứ quanh quẩn trong sự khốn khó nghèo hèn. Giá như trong khó khăn có bàn tay phụ giúp của người đàn ông thì cuộc sống sẽ khác đi rất nhiều, đằng này chồng của Nu lại vướng phải "cơn lốc" ma túy.
Một nách hai con, Nu héo mòn chẳng khác gì một bà lão. Bởi làm được thứ gì, kiếm được đồng nào, người phụ nữ khốn khổ này lại dành dụm cho chồng cho con. Nu cũng từng tâm sự với bố mẹ mình: "Khổ thế này con chỉ muốn chết quách cho xong. Có chồng mà chẳng bao giờ được nó giúp, việc gì cũng đến tay. Không có tiền cho nó hút chích là nó đánh...". Nghe con gái nói vậy, bố mẹ Nu cũng chỉ biết khuyên con mình nín nhịn, nhẫn nhục vì con, chứ giờ mà chết thì hai đứa con biết nương tựa vào ai?
Hành vi bán con của hai người phụ nữ quả là đáng trách nhưng buồn hơn là, bi kịch đó như đã được báo trước...
Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, bà Nguyễn Thị Lụa - phó chánh án TAND tỉnh Lai Châu, đồng thời là Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa cho biết: "Hành vi phạm tội của 3 bị cáo Sâu, Sia và Nu gây ra là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do, thân thể của trẻ em... Nhưng điều nguy hiểm hơn ở đây đó chính là hai bị cáo Sia và Nu đã đang tâm bán đi đứa con mà mình đã dứt ruột đẻ ra, gây phẫn nộ cho đại bộ phận dân chúng. Đây cũng là một vụ án hết sức đau lòng, xuất phát từ nhận thức của chính các bị cáo bởi cả Nu và Sia đều có chung một suy nghĩ là: "Con mình đẻ ra không nuôi được thì bán cho đỡ khổ". Thông qua đây, tôi cũng mong rằng làm sao phải tuyên truyền một cách sâu rộng hơn nữa về pháp luật, đồng thời xử lý thật nghiêm minh với những đối tượng cố tình phạm tội mua bán người đặc biệt ở những huyện vùng sâu, vùng xa. Có như thế, tình trạng mua bán người mới được chặn đứng". |
Nguyễn Bắc