Ngày 27/3, ông Đặng Quốc Văn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết, Sở cùng Bảo tàng tỉnh, các đơn vị liên quan vừa tiếp nhận Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B do Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh (thuộc Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) bàn giao cho tỉnh vào sáng cùng ngày.
Lễ bàn giao diễn ra tại trụ sở của Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam ở quận 1, Tp.Hồ Chí Minh.
Theo thông tin, 2 bộ đàn đá Khánh Sơn có ký hiệu A và B gồm 12 thanh, được gia đình ông Bo Bo Ren phát hiện tại núi Dốc Gạo, xã Trung Hạp, huyện Khánh Sơn (nay là thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn), tỉnh Khánh Hòa.
Sau đó, ông Bo Bo Ren đã trao lại hai bộ đàn đá này cho chính quyền. Đến ngày 16/3/1979, tỉnh Phú Khánh (thời bấy giờ) đã trao 2 bộ đàn đá Khánh Sơn cho Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam.
Hai bộ đàn đá sau đó đã được giới thiệu, biểu diễn ở Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và được đã đưa về nghiên cứu, sáng tác, bảo quản tại Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Tp.Hồ Chí Minh.
Đến nay, có hơn 50 tác phẩm sáng tác thể nghiệm và dàn dựng thành tiết mục cho 2 bộ đàn đá Khánh Sơn cùng các đàn đá khác.
Trong đó, đa số là tiết mục viết cho độc tấu, song tấu, tam tấu đàn đá có dàn nhạc dân tộc đệm; hoặc một số tiết mục đàn đá đệm cho đơn ca, tốp ca; một số tiết mục kết hợp giữa đàn đá với múa và vũ kịch múa…
Hôm nay (27/3), sau 44 năm, 2 bộ đàn đá Khánh Sơn được bàn giao lại cho tỉnh Khánh Hòa. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa đã giao Bảo tàng tỉnh đại diện ngành để tiếp nhận, bảo quản và khai thác, phát huy giá trị của 2 bộ đàn đá.
Hai bộ đàn đá Khánh Sơn rất có giá trị về mặt âm nhạc học và có niên đại hàng ngàn năm (khoảng 3.000 - 4.000 năm). Âm thanh sắc, gọn, có cao độ rõ rệt, ngân dài; âm thanh trầm bổng, độ mạnh nhẹ, độ dài ngắn và màu sắc đặc biệt của âm.
Bên cạnh đó, 2 bộ đàn đá Khánh Sơn là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hoá của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa.
Châu Tường