Làm công nghệ "không như làm bao cát, xi măng"
Mở đầu bài phát biểu tại hội trường sáng 31/10, Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ (bộ KH&CN) Chu Ngọc Anh cảm ơn sự quan tâm, kỳ vọng của các đại biểu về sự phát triển KH&CN trong sự phát triển xã hội.
Giải trình về các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, giai đoạn hiện nay, từ chủ trương xuyên suốt, nhất quán đã có những giải pháp rõ ràng cụ thể, làm cho khoa học công nghệ đồng hành và sát hơn với các ngành, các cấp, từ đó sát hơn với thực tiễn kinh tế - xã hội đất nước.
"Trước đây chúng ta nói nôm là "theo yêu cầu khoa học công nghệ gắn với kinh tế - xã hội" nhưng nhiều chủ trương trên thực tế chúng tôi cũng thấy khó khăn trong chỉ đạo các cấp, các ngành. Vừa rồi, sau khi Nghị quyết 20 và Kết luận 53 của Ban Bí thư được ban hành, khâu tổ chức thực hiện có chuyển biến rất mạnh. Trước đó mới là nhận thức và ý chí của lãnh đạo các cấp thôi, nhưng bây giờ thì có sự quan tâm không chỉ là trong chỉ đạo mà cả tổ chức thực hiện" - Bộ trưởng cho biết.
So sánh các sản phẩm công nghệ "không như làm bao cát, xi măng", Bộ trưởng cho rằng chúng ta cần xác định phương pháp tiếp cận có thể phải chấp nhận rủi ro, đồng thời cần có nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học thực chất, hiệu quả.
Song song với những lợi thế vừa nêu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chỉ ra hai hạn chế lớn nhất với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển.
Đầu tiên, nhu cầu đổi mới công nghệ tự thân tại doanh nghiệp còn hạn chế và yếu. Theo Bộ trưởng, cần xử lý để tác động của khoa học công nghệ thật sự hiện hữu. Bộ trưởng Ngọc Anh cho biết sắp tới sẽ có hội nghị về chuyển dịch chính sách toàn quốc để thật sự thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ.
Thứ hai, ông cho biết ngành khoa học đã đi một chặng đường rất dài và thấy được chuyển động nhưng từ sản phẩm nghiên cứu đến sản phẩm chuyển giao không đơn giản như xây viên gạch.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, từ đó tập trung quyết liệt các giải pháp để đưa khoa học công nghệ thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Du lịch Việt Nam tăng trưởng top 10 thế giới
Về kết quả ngành du lịch đạt được thời gian qua, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện dẫn số liệu từ năm 2015 đến 2018, khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 2 lần từ 8 triệu lên 15,5 triệu.
"Với tốc độ tăng trưởng du khách 25% mỗi năm, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Khách nội địa tăng 1,4 lần, từ 57 triệu lên 80 triệu năm 2018 và đóng góp 8,4% GDP", ông Thiện nói và thông tin thêm, 10 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% trong khi tăng trưởng du lịch toàn cầu là 4% và khu vực Đông Nam Á 5%.
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng liên tục được cải thiện. Trong hai lần xếp hạng gần đây đã tăng lên 12 bậc, hiện đứng thứ 63/140 nước.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của du lịch Việt Nam như: Chất lượng chưa cao, sản phẩm chưa phong phú…
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần đổi mới nhận thức về du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa nghề và mang tính xã hội cao; Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch từ trung ương đến địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.
Đặc biệt, Bộ trưởng VH-TT&DL nhấn mạnh, là bổ sung nguồn ngân sách cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Được biết, hiện nay, ngân sách cho hoạt động này chỉ đạt khoảng 2,5 triệu USD (54 tỷ đồng), trong khi đó Thái Lan là khoảng 80 triệu USD.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, cần đổi mới nhận thức về du lịch là ngành đa ngành, đa nghề và mang tính xã hội cao; Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch từ trung ương đến địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.
Cùng với đó là bổ sung nguồn ngân sách cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Được biết, hiện nay, ngân sách cho hoạt động này chỉ đạt khoảng 2,5 triệu USD, trong khi đó Thái Lan là khoảng 80 triệu USD.
Bên cạnh đó, các thủ tục cũng phải tiếp tục đơn giản hoá để tạo điều kiện cho du khách; đẩy mạnh liên kết, xã hội hoá du lịch trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ.
"Bốn năm qua, số lượng buồng phòng tăng gấp đôi nhờ xã hội hoá. Sau khi có những hãng hàng không ra đời thì có hàng trăm chuyến bay thẳng đến các điểm du lịch. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như sân bay Vân Đồn, cảng Hạ Long...", Bộ trưởng Thiện nói và khẳng định, đây là những kinh nghiệm để sắp tới Việt Nam đầu tư nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành.
Về vấn đề văn hoá, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn nhận định: "Giờ đây chúng ta nói nhiều đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng, lối sống thực dụng cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội… tất cả những điều đó đều là vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân từ văn hóa".
Thừa nhận sự phát triển của văn hoá chưa tương xứng, chưa đủ tầm so với thành tựu chính trị, kinh tế đã đạt được, Bộ trưởng VH-TT&DL đưa ra nhóm 7 giải pháp để cải thiện.
"Văn hoá soi đường cho quốc dân đi", Bộ trưởng dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 để nhấn mạnh vai trò đặc biệt của văn hoá đối với sự phát triển của đất nước.
"Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là nội lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước", ông Nguyễn Ngọc Thiện kết thúc bài phát biểu của mình.
Hoa Liên - Công Luân