Sáng ngày 29/3, đoạn quốc lộ 25 chạy qua xã thôn Ia Sa (xã H’Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) trở nên nhốn nháo, đông đúc khi người dân quanh khu vực này hiếu kỳ tập trung lại trước trước nhà ông Lê Hùng Dũng để xem cảnh các thành phần quan quyền của hai cấp huyện xã khống chế người nhà và ra sức kéo hai hòn đá ra trong sân khỏi cổng. Khi các lực lượng quan lớn, quan nhỏ, công an, dân quân… bủa vây xung quanh thì hai vợ chồng ông Dũng tìm mọi cách bít lại khoảng lối đi rộng chừng 8m nhằm giữ bằng được hòn đá không cho chính quyền kéo đi.
Hai hòn đá trên được vợ chồng ông Dũng tìm được trong khu đất của gia đình cách đây ba năm (năm 2009). Trong khi đào ao, phát hiện thấy hai hòn đá có màu sắc đẹp ông liền nhờ những người thân cận ra xem xét rồi thuê xe kéo về sân nhà. Trong 3 năm qua, việc hai hòn đá vô tri vô giác nằm ở sân hoàn toàn không ảnh hưởng đến ai và cũng không có một cán bộ chính quyền nào đến ý kiến, hỏi han.
Ông Dũng, đang phản đối việc thu hồi đá
Sự việc bất ngờ đến với gia đình ông khi sáng 29/3, một số cán bộ huyện dẫn theo cả đoàn quân vào nhà ông yêu cầu thu hồi hai hòn đá trên. Tại gia đình ông Dũng, ông Bùi Sỹ Nguyên - Chánh văn phòng UBND huyện Chư Sê đã tiến hành lập biên bản với nội dung gia đình ông Dũng tàng trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia không rõ nguồn gốc. Trước sức ép quá lớn của các cấp, ông Dũng đã năn nỉ xin lại một hòn để chơi, còn một hòn đành chấp nhận nộp cho UBND huyện chở về.
Tuy nhiên, biên bản mà ông Nguyên lập thu hồi hòn đá chỉ có duy nhất một bản và không có bản thứ hai để giao cho gia đình ông Dũng. Không đồng ý tình trạng lập lờ đó, ông Dũng kiên quyết không ký tên xác nhận. Trước thái độ kiên quyết của ông Dũng, vị Chánh văn phòng UBND huyện Chư Sê tiếp tục tiến hành lập thêm hai biên bản để cưỡng chế cả hai tảng đá trên nhưng không thành. Sau một hồi giằng co, đoàn quân đành kéo nhau đi để lại hòn đá chơ trọi giữa đường trước sự ngơ ngác của hàng trăm người chứng kiến.
Được biết, hai hòn đá ông Dũng đào được thuộc loại đá casidol – loại đá phong thủy đang được giới chuyên chơi đá săn lùng. Khi đưa hai hòn đá đó về nhà bản thân ông Dũng cũng không hề biết đó là đá gì, giá trị bao nhiêu mà đơn giản ông chỉ thấy đá có màu sắc đẹp nên thuê xe chở về chơi cảnh.
Anh Nguyễn Tiến Dũng (33 tuổi) trú cùng thôn cùng nhiều người dân chứng kiến sự việc trên đã tỏ ra vô cùng bức xúc và cho rằng chính quyền làm sai nguyên tắc, quan liêu, chèn ép dân quá đáng nên ông Dũng không thuận theo cách giải quyết trên là phải. “Hai hòn đá ấy, ông Dũng đã mất công thuê người chở về, sửa sang cẩn thận để chơi cho đẹp chứ hoàn toàn không có mục đích mua bán gì. Sau 3 năm, chính quyền hai cấp lại đùng đùng dẫn cả đoàn quân hùng hậu như vậy xuống chỉ với một mục đích duy nhất là thu hồi bằng được hai hòn đá là việc làm không đáng, cần phải xem xét lại” – anh Dũng nhấn mạnh.
Người dân hiếu kỳ kéo đến xem hai cấp chính quyền cưỡng chế 2 hòn đá.
Trả lời câu hỏi của PV về công tác cưỡng chế thu hồi 2 hòn đá, ông Phạm Minh Hùng - trưởng Công an xã HBông cho biết, xã thực hiện việc làm trên là theo sự chỉ đạo của huyện còn theo suy nghĩ của ông, đá của dân tìm được đã lâu, nên để cho dân sử dụng trưng bày làm cảnh cho vui chứ không nên tịch thu. Hiện nay người dân chơi đá cảnh rất nhiều, họ tìm được trong vườn nhà họ thì nên để cho họ làm cảnh.
Chính quyền mở chiến dịch?
Trước đó vào tối 28/3, các cấp chính quyền của huyện này cũng đã tiến hành thu hồi một hòn đá khác của hộ gia đình chị Trần Thị Sắc (42 tuổi) trú cùng thôn Ia Sa. Hòn đá ấy mới được chị Sắc phát hiện ở khu vườn của gia đình (cạnh diện tích đất nhà ông Dũng). Trong quá trình chị Sắc thuê xe đưa đá đến để gửi ở gia đình người quen thì bị lực lượng chức năng của huyện phát hiện và thu giữ chở về huyện để đưa đi giám định xem loại đá gì (?!). Tuy đã chấp hành việc bị thu đá nhưng chị Sắc tỏ ra bức xúc cho rằng, UBND huyện làm như vậy là ép chị. “Để đưa được hòn đá về tới nơi tôi đã tốn rất nhiều công sức và tiền của. Tôi mong sớm chính quyền sớm trả lại hòn đá chứ thu không của tôi như vậy là rất bất công” – chị Sắc nói.
“Chưa thể gọi là khai thác tài nguyên quốc gia” Theo luật gia Nguyễn Bằng Giang, căn cứ theo Điều 248 Bộ Luật dân sự có thể xác lập quyền sở hữu hai hòn đá trên vào loại quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy:“Vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu được đối với vật đó được xác định như sau: Vật được tìm thấy là cổ vật, là di tích lịch sử văn hóa thì thuộc sở hữu của Nhà nước, người tìm thấy vật đó được hưởng một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Vật được tìm thấy không phải là cổ vật di tích lịch sử văn hóa mà có giá trị lớn (lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu), thì người tìm thấy được hưởng 50% giá trị của cổ vật, phần còn lại thuộc về Nhà nước và nếu có giá trị nhỏ (ít hơn 10 tháng lương tối tiểu) thì thuộc sở hữu của người tìm thấy vật đó”. Việc gia đình ông Dũng tìm thấy hai hòn đá và đưa về gia đình chưa thể gọi là khai thác tài nguyên, khoáng sản được. Hai hòn đá đó cũng chỉ ngẫu nhiên được tìm thấy trong khu vườn của gia đình nên chưa thể nói đó là tài sản do khai thác mỏ mà ra. Xếp vào loại vật bị chôn giấu, chìm đắm thì hợp lý hơn cả – luật sư Giang cho biết thêm. Bàn về hành động cưỡng chế của chính quyền huyện Chư Sê, luật gia Giang nhận định, chính quyền xã – huyện khi tiến hành hoạt động cưỡng chế, thu hồi cần giải thích nguyên nhân và trích dẫn rõ văn bản pháp luật quy định liên quan, không nên để tình trạng mập mờ, không rõ ràng gây khó hiểu cho người dân. Phạm Hạnh |
Nguyễn Tâm