Hai cây cổ thụ chết khiến cả làng hoang mang

Hai cây cổ thụ chết khiến cả làng hoang mang

Thứ 6, 28/06/2013 22:21

Làng Ẻn, xã Vũ Yển (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) nằm yên bình bên bờ sông Thao được phù sa bồi đắp cây cối xanh tươi.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, nhiều người dân làng Ẻn mất ăn, mất ngủ khi hai cây gạo cổ thụ hàng trăm năm tuổi nằm ở đầu làng và giữa làng bỗng dưng chết. Nhiều tin đồn cho rằng, "cây thiêng" chết là điềm gở, mang tai họa cho dân làng; những vụ tai nạn, bệnh tật, rủi ro bất ngờ xảy ra khiến người dân và chính quyền sở tại đứng ngồi không yên.

Bị phạt do đụng đến chốn linh thiêng?

Làng Ẻn (xã Vũ Yển) là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hoá quý giá như: Đình Ngũ Giáp, đình Hương Chung, đình Đồng Lạn, chùa Phúc Linh, đền Thánh Mẫu, miếu Hai Cô... Mỗi di tích đều gắn với truyền thuyết phản ánh quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, của quê hương Vũ Yển anh hùng. Một điều rất đặc biệt nữa, làng có rất nhiều cây cổ thụ, đa phần là cây gạo mọc dàn trải từ đầu làng đến cuối làng.

Miền bắc - Hai cây cổ thụ chết khiến cả làng hoang mang

Thời gian qua, nhiều tin đồn thất thiệt về cây gạo cổ thụ chết khiến người dân hoang mang.

Theo các cụ cao niên trong làng, những cây gạo cổ thụ ở đây có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân làng Ẻn nói riêng và mảnh đất Vũ Yển nói chung. Không chỉ là dấu mốc của lịch sử, những cây gạo nơi đây từng được biết đến đã cứu giúp người dân lúc chiến tranh, nghèo đói. Tích xưa truyền lại, hồi đó, nếu ai gặp chuyện chẳng lành, chỉ cần thành tâm ra các cây gạo cầu khấn thì sẽ tai qua nạn khỏi.

Chúng tôi tìm về làng Ẻn khi đã quá trưa. Vừa đến đầu làng, đã nghe người dân bàn tán râm ran những câu chuyện lạ kỳ liên quan đến hai cây cổ thụ chết, khiến nhiều người phải rùng mình. Theo lời một bà chủ quán nước đầu làng, những cây gạo ở đây rất linh thiêng, không ai dám mạo phạm. Đã có rất nhiều người gặp phải những tai họa bất ngờ do có những lời lẽ, hành động xấu với cây.

Không chỉ tiếc rẻ khi cây bị chết, một số người còn tung tin rằng, sự kiện này đang khiến cho làng xóm phải chịu tai ương. Bởi nhiều người dân nơi đây vẫn tin theo quan niệm xưa: Cây cối có tuổi thọ hàng trăm năm đều có linh hồn trú ngụ.

Câu chuyện mà người dân nhắc nhiều nhất khi hai cây gạo chết liên quan đến việc người dân làng Ẻn đang tích cực chung tay dựng lại đình Ngũ Giáp. Các cụ cao niên trong làng cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, đặc biệt là giai đoạn cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, một số chùa, đình ở khu vực này, trong đó có làng Ẻn đã bị tàn phá nặng nề; nhiều đình, chùa trở thành phế tích. Để có nguồn kinh phí tu sửa, xây dựng đình, một số cụ cao niên trong làng đã đứng ra xin phép chính quyền địa phương để kêu gọi những người địa phương làm ăn thành đạt xa quê cũng như người dân địa phương góp tiền, góp sức. Do diện tích nền cũ của đình ngày trước giờ không còn nguyên vẹn nên người dân xây mới lùi đình vào một khoảng để tránh ảnh hưởng đến các hộ dân lân cận. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu không bắt hộ dân dựng nhà trên nền chùa cũ chuyển đi thì thần, thánh sẽ nổi giận.

Miền bắc - Hai cây cổ thụ chết khiến cả làng hoang mang (Hình 2).

Giáo sư Ngô Đức Thịnh.

Ông N., một người dân kể với chúng tôi chắc như đinh đóng cột: "Ngày 1/5/2013, khi khai móng làm đình, trong quá trình làm, nhóm cựu chiến binh của làng liên tiếp bị ngã chấn thương nặng. Chỉ vài ngày sau hôm đó, cây gạo cổ thụ kế bên bỗng dưng khô thân rồi... chết. Tôi nghe nhiều người bảo, khi về đêm, nhiều người đi qua đây đều hỏng xe, người mệt mỏi, khó thở. Nhiều người lo sợ thần, thánh nổi giận, làm hại đến dân làng nên đã phải mời thầy bói đến làm lễ cầu an!?...".

Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những ánh mắt nhìn nhau dè chừng của một số người trong làng. Dường như ai cũng lo sợ một điều gì đó không may xảy ra với gia đình mình. Vì thế, họ chọn cách im lặng, mặc dù không ai biết những tin đồn kia thực hư thế nào...

Giải oan cho "cây báo oán"

Theo lời cụ Nguyễn Công Tú (87 tuổi), một trong những cụ cao niên làng Ẻn, hai cây gạo này có niên đại khoảng 100 - 200 năm. Đây là hai cây cổ thụ lớn, nằm ở đầu làng và giữa làng. "Thực tế, không phải hai cây này tự nhiên chết một lúc mà là một cây chết từ vài năm trước; còn một cây gần đây mới rụng lá, khô thân và chết", cụ Tú nói. Đối với người dân làng Ẻn, hình ảnh cây gạo sừng sững tỏa bóng mát, che phủ cả một không gian lớn đã trở thành hình ảnh quá đỗi gần gũi, thân quen, như là một dấu nhắc để người xa quê mỗi lần tìm về cố hương... Do vậy, khi cây cổ thụ chết, người dân ai cũng tiếc nuối; một số người ác ý đã đưa ra những tin đồn thất thiệt, khiến người dân hoang mang.

Cụ Đinh Văn Bách (78 tuổi) có nhà ở gần cây gạo bị chết, chia sẻ: "Từ khi cây gạo cổ thụ chết, chúng tôi đã bàn nhau tìm ra phương án trồng cây mới ở vị trí cũ. Tôi dám khẳng định là những tin đồn đấy không có cơ sở, bởi chúng tôi cũng sống ngay gần đó, cuộc sống hoàn toàn không có gì thay đổi". Cụ Bách cũng khẳng định, chuyện một số người dân đồn đại lại những câu chuyện ma quỷ mà cụ chưa từng gặp trường hợp nào bị như vậy. Đó hoàn toàn là những lời đồn nhảm nhí, do kẻ xấu thêu dệt. Còn những người bị ốm đau, bệnh tật là chuyện bình thường, chứ không liên quan gì đến việc làm đình hoặc việc cây gạo cổ thụ chết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thảo (chủ tịch UBND xã Vũ Yển) chia sẻ: Hai cây gạo này chết do những năm trước bị sét đánh, sau một thời gian, cây không ra lá nữa, khô thân và chết dần. Còn chuyện nhóm người cựu chiến binh thi công bị thương vào ngày khai móng là do họ không có kinh nghiệm và trong quá trình góp sức lao động để xây dựng đình chẳng may bị xây xát, chảy máu. Tuy nhiên, đó chỉ là thương nhẹ, chứ không nghiêm trọng như một số lời đồn thổi.

Ông Thảo cho biết thêm: "Sở dĩ, xuất hiện những tin đồn thất thiệt là do có người không đồng ý với việc xây dựng lại đình, nhưng không nguyên vẹn với nền cũ. Việc này rất khó, bởi người dân đã định cư trên mảnh đất kế bên đã lâu, được Nhà nước cấp sổ đỏ, cho nên giờ di chuyển sẽ gặp rất nhiều khó khăn như giải toả, đền bù... Trước mắt, chúng tôi đồng ý với phương án làm đình trong phạm vi nền cũ của đình trước, sau này có điều kiện sẽ mở rộng khuôn viên các khu đất như nền đình cũ. Từ việc này, một vài người cho rằng, làm như vậy là không đúng nên thần, thánh nổi giận, làm cây chết và gieo tai họa cho dân làng. Tất cả tin đồn đấy đều sai trái, gây hoang mang cho người dân...".

Miền bắc - Hai cây cổ thụ chết khiến cả làng hoang mang (Hình 3).

Ông Nguyễn Mạnh Thảo (Chủ tịch UBND xã Vũ Yển) khẳng định những tin đồn ma quỷ là không có thật.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, GS Ngô Đức Thịnh (giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam) phân tích: Thường mỗi làng ở Việt Nam, người dân đều có những quan niệm truyền thống, được truyền từ đời này sang đời khác theo tiềm thức dân gian rằng, những cây cổ thụ thường gắn liền với các vị thần linh hoặc ma quỷ trú ngụ. Do vậy, khi xảy ra sự việc khác thường, họ thường liên tưởng đến những câu chuyện rùng rợn. Đặc biệt hơn, khi ở thời điểm đấy, chẳng may gia đình nào gặp phải chuyện chẳng lành, dân làng lại nghĩ ngay đến việc "cây thần báo oán", khiến sự việc trở nên nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

"Tôi đã gặp trường hợp cây cổ thụ chết và đây là hiện tượng hết sức bình thường. Như ở làng Ẻn cũng vậy, do cây gạo đã già tuổi, cộng với yếu tố tự nhiên (do bị sét đánh) nên sau nhiều năm, cây gạo khô thân và chết đi. Đó hoàn toàn là lẽ tự nhiên. Người dân địa phương phải tỉnh táo trước những tin đồn thất thiệt gây hoang mang, ảnh hưởng xấu trong dư luận", GS Thịnh chia sẻ.

Sự thật về "cây thiêng báo oán" đã được cơ quan chức năng và các chuyên gia văn hóa tâm linh phủ nhận, bởi cây chết hoàn toàn phù hợp với lẽ tự nhiên: Cây cũng giống như người, có sinh, có tử. Nếu người dân thấy cần thiết thì có thể tổ chức trồng cây mới thay thế. Tuy nhiên, chính vì những người yếu bóng vía, hay sợ hãi trước những lời đồn thổi vô căn cứ nên sự việc thường trở nên nghiêm trọng. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần vận động, tuyên truyền, để người dân không bị mê tín dị đoan, tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra, đảm bảo an ninh trật tự và ổn định đời sống nhân dân.      

Sẽ trồng cây mới thay thế

Ông Nguyễn Vi Sử (63 tuổi, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu chè Việt Nam), quê gốc ở làng Ẻn, chia sẻ: "Trước tình trạng tâm lý người dân hoang mang xung quanh việc hai cây gạo cổ thụ chết, tôi đã tìm đọc một số sách về phong thuỷ và sách Hán cổ để tìm hiểu thêm về hiện tượng này. Theo đó, việc cây gạo chết không phải là điềm gở, mà ngược lại, nó là biểu hiện của sự chuyển giao từ thời suy sang thịnh. Nó là dấu hiệu đưa tài lộc cho dân làng. Vậy đó là điều đáng mừng, niềm vui mới với người dân làng Ẻn đấy chứ!. Để người dân hoàn hoàn an tâm, sau khi tham khảo ý kiến người dân, tôi và các cụ cao niên trong làng cũng đã bàn bạc và thống nhất, trong thời gian tới sẽ làm các thủ tục cần thiết để tiến hành trồng cây mới thay thế. Đây cũng là ý nguyện của đại đa số người dân quê hương tôi".                     

CAO TUÂN

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.