Cây dương liễu trên mảnh đất anh hùng
Trong chuyến công tác ở Quảng Nam, chúng tôi có dịp xuôi về làng Bình Dương (huyện Thăng Bình), nơi được xem là mảnh đất anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bình Dương từng được Nhà nước ba lần tặng danh hiệu Anh hùng, một làng có hơn 154 mẹ Việt Nam anh hùng và 1.367 liệt sĩ.
Ông Phan Xuân Phúc kể chuyện thần kỳ của hai dương "thần" thời chống Mỹ cứu nước
Trở về lịch sử, về với quê hương anh hùng, chúng tôi được phó chủ tịch xã Phan Phước Sơn làm "hướng dẫn viên du lịch", giới thiệu về các điểm di tích trong làng, rồi dẫn đến từng mẹ anh hùng để nghe kể về chuyện thời chiến tranh trên quê hương cát trắng này. Trong những câu chuyện hào hùng ấy, ông Phước Sơn không ít lần nhắc tới hai cây dương liễu thần kỳ, đã vươn mình vững chãi hơn 70 năm qua, trở thành "nhân chứng sống" cho tinh thần đấu tranh quật khởi của quân và dân trên mảnh đất này.
Làng Bình Dương cách TP.Đà Nẵng khoảng 70km. Vùng đất này quanh năm phủ một màu cát trắng xóa, khô cằn, gió biển thổi suốt ngày đêm. Ở đây chỉ có cây dương liễu, một loài cây thuộc dòng lá kim mới có thể sống và phát triển xanh tốt, tạo nên sức sống cho vùng đất. Khi đi dạo quanh một lượt làng, chúng tôi mới thấy được tầm quan trọng của loại cây dương liễu này đối với cảnh quan và cuộc sống người dân nơi đây. Nếu như cây tre trở thành biểu tượng "giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh" của miền Bắc trong thơ Nguyễn Duy thì cây dương liễu ở vùng đất anh hùng Bình Dương cũng đi vào đời sống thiết thực như vậy. Đời thường, họ dùng lá, cành cây liễu làm chất đốt thân to để làm nhà, dụng cụ đồng áng... Thời chiến, cây dương liễu là "ngôi nhà của chiến sỹ Cách mạng". Quân và dân đã lợi dụng rễ cây bám chặt xuống sâu dưới lòng đất để tạo nên những căn hầm bí mật kiên cố, tránh được trận mưa bom, bão đạn của địch.
Lật giở cuốn "Lịch sử đảng bộ xã Bình Dương" mà mỗi Đảng viên và người dân đã dày công xây dựng, ông Sơn tỏ rõ sự tự hào về quá khứ quật cường của cha ông. Ông giải thích vì sao trong chiến tranh chống Mỹ ở đây lại có tên gọi là "Bàu Bính". Lấy một tờ giấy trắng khổ A4, vừa vẽ sơ đồ, ông vừa giải thích: "Vào những năm 1970, vùng đất đông Thăng Bình, trong đó trọng điểm là xã Bình Dương bị quân đội Mỹ đến và giày xéo "vùng đất trắng", chúng dồn dân, lập ấp, tạo thành một vành đai bao vây quân Cách mạng. Quân Cách mạng lui về phía đông lấy hai cây dương "thần" này làm căn cứ trong lòng địch. Từ đó, người dân và quân Cách mạng gọi tên là "căn cứ lõm" hay là Bàu Bính".
Ông Phúc còn cho biết thêm: "Bàu Bính - người ta nghe như là một vùng trũng sâu, xung quanh bao vây bởi đồi núi nhưng thực tế là một đồi cát trắng, mà quân và dân Cách mạng đã dùng hai cây dương liễu trên làm điểm tựa, ẩn nấp cho mình suốt chiều dài cuộc kháng chiến". Nhắc đến cây dương liễu, ông Phúc Sơn kể thêm: "Vùng đất này trước chiến tranh, phủ màu xanh bạt ngàn của dương liễu. Trong chiến tranh, vùng này chiến sự ác liệt. Địch lấn chiếm, chúng dùng bom, đạn dược, thậm chí cả máy xúc, máy đào cày nát. Chúng quyết biến đất này thành vùng bình địa hay một "sa mạc chết", những đồi cát trắng xóa, trơ trọi, hoang vắng và không có sự sống".
Hai cây dương "ông" và dương "bà"
Bất tử trước mưa bom, bão đạn
Theo chân ông Sơn, chúng tôi đến được "căn cứ lõm" năm xưa, nơi hai cây dương liễu một thời vươn mình chịu mưa bom bão đạn. Để tỏ lòng biết ơn hai cây dương liễu này, người dân gọi với cái tên rất trìu mến "cây dương ông, cây dương bà".
Về "cây dương thần", ông Sơn kể: "Hồi đó, dưới hai gốc dương liễu này là những căn hầm bí mật che chở cho hằng trăm các chiến sỹ cách mạng, quân du kích... an toàn. Và nơi thường diễn ra những cuộc họp quan trọng của các lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) bàn việc nước".
Đứng trên vùng căn cứ lõm năm xưa, ông Sơn nhìn ra xa, rồi chỉ tay về các hướng, cho biết: "Hồi đó, quân đội Mỹ, Ngụy đã đóng bốn đồn bốt bao vây "căn cứ lõm" gồm có đồn ông Hộp ở thôn 1 phía Tây, đồn ông Cà ở thôn 2 ở phía Bắc, đồn ông Mong ở thôn 3 phía Đông, đồn Đối ở thôn 5 phía Nam, ngoài ra còn có quân Nam Hàn ở dưới bờ biển xã Duy Hải của huyện Duy Xuyên. Đã nhiều lần, chúng đến càn quét, san ủi vùng đất này bằng bom đạn, không có mầm sống... Thế mà hai cây dương "thần" này thì chúng chịu. Quân đội Mỹ đã huy động bom hạng nặng, bom xăng... để hòng "giết chết" hai cây dương liễu này nhưng đều thất bại".
Dù tuổi đã cao nhưng trong tâm trí bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Khoán không bao giờ quên được những ký ức về “căn cứ lõm” và hai cây dương "thần" trong kháng chiến chống Mỹ trên quê hương mình
"Có lúc, hai cây dương liễu này xơ xác, tiêu điều vì hứng những loạt bom đạn của kẻ thù nhưng cây vẫn sống. Bất khuất, rắn chắc, vươn mình chống đỡ bom đạn, dù địch điên cuồng bắn phá, cố triệt hạ hai cây dương liễu tới cùng. Hồi đó, có lần chúng huy động 170 xe tăng và bọc thép gồm có quân Mỹ, Ngụy và Đại Hàn, chúng quyết húc đổ, bắn cháy cây dương liễu nhưng đều thất bại. Có lần xe ủi vào đến tận gốc cây thì bị đứt xích... Chúng quét, san ủi vùng đất thành một sa mạc chết, chỉ còn hai cây dương liễu ở trên quả đồi này vẫn sừng sững, hiên ngang vươn cao. Trong những lúc khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống xâm lược, từ các nơi nhìn về, kể cả cán bộ, bộ đội từ chiến khu và đồng bào trong vùng địch, thấy cây dương liễu còn đứng đó, giữa vùng đất lửa, không gục ngã, là còn niềm tin: "Dương liễu còn, Cách mạng còn".
Cây dương liễu trở thành "điểm tiền tiêu" cho quân và dân Cách mạng, ai muốn về lại căn cứ lõm đều nhìn hai cây dương "thần" định hướng. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Khoán (91 tuổi) bồi hồi kể: "Hồi đó, vùng này hoang vắng lắm, ban đêm đi qua là rợn hết người. Vậy mà chiến sĩ trong căn cứ lõm cứ đi vào "ấp" liên lạc thông tin, lấy thực phẩm... Riêng mẹ, hồi đó cũng những người mẹ dũng cảm thường lần mò ban đêm ra căn cứ lõm mang miếng khoai, bát cháo của chiến sỹ Cách mạng". Khi chúng tôi hỏi hai cây dương "thần" có từ khi nào? Có người nói hai cây dương liễu đã sống gần trăm năm, nhưng mẹ Khoán cho biết: "Khi mẹ còn nhỏ thì đã thấy hai dương liễu đó rồi. Hồi đó thanh niên trong làng thường ra chơi bên gốc cây đó, thi thố hát hò. Những người sống gần xung quanh đã quyên góp tiền, công sức, lập nên miếu thờ. Đã qua bao đời trong làng, cứ đến ngày rằm và cuối tháng lại thắp hương ở đây".
Kỳ lạ tổ chim sáo trên cây dương liễu Những ngày chiến tranh ác liệt ấy, hai cây chịu đựng hàng ngàn tấn bom thế mà trên ngọn cây vẫn có đôi chim sáo bay về làm tổ, rồi sinh con đẻ cái, bám trụ cùng quân và dân vùng "căn cứ lõm" chiến đấu đến cùng, dành lại từng gốc cây, miếng đất. Làm câu chuyện về hai cây dương "thần" càng thêm sinh động. Chiến tranh trôi qua, tổ chim ấy vẫn còn trên ngọn cây và tiếp tục sinh sôi nảy nở. Giống người làng Bình Dương, họ quay về để xây dựng cuộc sống mới trên "vùng sa mạc chết". Những cây dương liễu con được trồng và lớn lên phủ một màu xanh bạt ngàn. Và câu chuyện về hai "cây dương thần kỳ" đã trở thành biểu tượng cho khí phách, hiên ngang, dám xả thân vì nghĩa lớn của người làng Bình Dương sẽ còn mãi. |
Sỹ Đồng - Hữu Tiến