Hai cha con đã hơn 10 năm phải ngủ ngồi

Hai cha con đã hơn 10 năm phải ngủ ngồi

Thứ 3, 26/03/2013 23:28

Căn bệnh lạ đã biến hai số phận trở thành những "dị nhân" của xóm làng. Và chính nó cũng cướp đi của họ không biết bao nhiêu dự định, ước mơ. Đau đớn thay, họ là hai cha con. Vì căn bệnh ấy, hàng chục năm qua họ phải chấp nhận ngủ ngồi.

Căn bệnh lạ biến hai số phận thành "dị nhân"

Người chúng tôi muốn nói đến là hai cha con ông Bùi Văn Tài (SN 1965) và Bùi Thị Lệ Huyền (21 tuổi, con gái ông Tài, cùng ngụ ở số 402, khu 6, thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Hơn 20 năm qua, họ mưu sinh bằng nghề làm thuê, làm mướn và nương tựa nhau sống qua ngày. Tuy nhiên, khi cái nghèo chưa bao giờ hết ám ảnh thì một căn bệnh quái ác lại trút xuống đầu hai cha con khốn khổ. Nó đã cướp đi của họ những giấc mơ, những dự định trong đời. Từ khi mắc bệnh, những thứ mà người bình thường cho là giản dị lại biến thành ước mơ xa xỉ của hai cha con ông Tài.

Biết chuyện, PV Người Đưa Tin đã tìm đến nhà ông Bùi Văn Tài theo địa chỉ mà một bạn đọc phản ánh lên tòa soạn. Bức thư mà người độc giả này viết chứa đựng sự xót xa, sự cay đắng cho hai phận người. Đến nơi, trước mắt chúng tôi là một túp lều tranh rách nát. Những lỗ thủng của bức tường nhà làm bằng gỗ mun đã mục nát dẫn ánh mắt chúng tôi xuyên thấu sang bức tường phía sau. Đã hàng chục năm nay, họ vẫn sống trong điều kiện như thế. Trong căn nhà tối om, đồ đạc có giá trị nhất chỉ là những chiếc màn đã rách. Sau một hồi trò chuyện, ông Tài kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời gian truân, bất trắc, về những nỗi đau thể xác, tinh thần mà hơn 20 năm qua ông và con gái phải gánh gồng.

Nhịp sống - Hai cha con đã hơn 10 năm phải ngủ ngồi

Ông Bùi Văn Tài và những "nốt thịt thừa" mọc khắp cơ thể

Ông Tài là con thứ 10 trong một gia đình nghèo có tới 12 anh chị em. Lúc mới chào đời, ông cũng bụ bẫm như bao đứa trẻ trong làng. Lên 2 tuổi, khắp người ông bắt đầu nổi những "nốt thịt thừa" (lời ông nói) mà chính ba má và anh chị của ông cũng không biết vì sao. Nhà quá nghèo, lại đông con nên bố mẹ ông Tài không thể đưa con đến bệnh viện điều trị. Bẵng đi hơn chục năm, những nốt thịt thừa ấy to dần theo sự phát triển của cơ thể ông.

Ông Tài chia sẻ: "Đến tuổi thanh niên, những hạt thịt thừa mọc trên cơ thể tôi chưa to lắm và cũng chưa lên tới mặt. Có lẽ vì thế mà tôi mới có thể lấy được vợ. Không ngờ, sau đó vài tháng, nó bắt đầu to dần và tôi thấy đau nhức khắp cơ thể. Việc này khiến vợ tôi chán nản, buồn bã cực độ. Sau khi sinh cháu Huyền, vợ chồng tôi không thể chung sống với nhau được nữa nên chia tay. Cháu Huyền theo mẹ về quê ngoại ở Cà Mau sinh sống. Còn tôi sống thui thủi một mình với căn bệnh quái ác. Hàng đêm, tôi nằm vò võ nhớ thương vợ con". Số phận lẻ loi của ông bị nhân lên gấp bội khi trên người xuất hiện hàng trăm mụn cóc từ đầu cho đến chân. Hàng xóm ai cũng kinh hãi, ai cũng từ chối tiếp xúc với ông vì sợ lây bệnh.

Lúc ấy, ông Tài đã cầu trời mong rằng chỉ mình ông dính phải căn bệnh quái ác này. Nhưng ông không thể ngờ rằng, đứa con gái duy nhất của mình cũng phải chịu chung số phận. Ông Tài nhớ lại: "Vợ con tôi đi biền biệt hơn 15 năm không gặp, cho tới khi vợ dẫn con gái về thăm thì tôi ngã ngửa người ra khi tận mắt chứng kiến khắp cơ thể Huyền cũng mọc lên hàng trăm nốt thịt thừa. Hơn nữa, những u thịt ấy lại mọc từ đỉnh đầu xuống cổ. Ngày đêm nó hành hạ thân xác con bé". Sau đó, hai cha con ông dìu dắt nhau đi làm thuê, làm mướn kiếm miếng cơm qua ngày. Không nhà cửa, không ruộng vườn, muốn đi làm mướn cũng chẳng ai thuê vì trong mắt người dân nơi đây, cha con ông Tài đã trở thành những "dị nhân" của xóm làng. Tưởng chừng, họ sẽ không thể sống nổi trong điều kiện vì người đời xa lánh, nghèo khó và bệnh tật. Nhưng ít ai ngờ được, hai cha con ông Tài đã vượt lên số phận.

Hai mươi năm "ngủ ngồi"?

Chúng tôi tìm sang nhà bà Bùi Thị Tư, chị ruột ông Tài để hỏi rõ về câu chuyện. Lúc PV đến, bà Tư đang chăm sóc bé Huyền. Vừa bước vào nhà, trước mặt chúng tôi là dáng vẻ tiều tụy của một cô gái đang cầm trên tay chai thuốc sữa (sữa uống để tăng cường sức khỏe) với đôi mắt sợ sệt. Bà Tư cho biết, Huyền rất ít tiếp xúc với người ngoài. Nguyên nhân cũng chỉ vì Huyền mặc cảm với thể trạng của mình. Không những vậy, Huyền còn bị lãng tai (nghe không rõ), thường xuyên bị sốt và chảy máu ở các khối u.

Lau giọt nước mắt chảy dài trên gò má, bà Bùi Thị Tư tâm sự: "Tôi thương nó lắm. Mẹ Huyền ở Cà Mau, vì quá nghèo nên mới phải đưa con lên đây nhờ nhà nội tìm cách chạy chữa. Chính tôi là người đi kêu gọi sự giúp đỡ của người dân và đưa cháu đi bệnh viện này, bệnh viện khác chữa trị. Đến giờ này, chúng tôi chỉ biết cháu đang mắc một căn bệnh u bướu lạ. Cách đây vài tháng, các bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy đã có kết luận, những khối u trên người của bé Huyền là u lành, có thể phẫu thuật được nhưng chi phí rất cao. Biết chúng tôi nghèo khổ nên họ không cho biết một con số cụ thể. Họ bảo chúng tôi cố gắng vận động nhà tài trợ rồi liên lạc với họ sau. Vì thế, từng giây từng phút, gia đình chúng tôi mong muốn có được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân".

Nhịp sống - Hai cha con đã hơn 10 năm phải ngủ ngồi (Hình 2).

Em Bùi Thị Lệ Huyền và những khối u trên đầu, cổ và cằm

Với Huyền, hơn 20 năm qua cô phải "đeo" trên đầu và cổ những khối u bướu nặng hơn 3kg. Ngồi trong góc nhà, Huyền tâm sự: "Em nghe mẹ kể lại, khi lên 4 tuổi trên người xuất hiện các mụn bướu nhỏ ở sau gáy và cổ. Ban đầu chỉ to bằng hạt đậu, sau đó các mụn bướu to dần. Nhất là khối bướu sau gáy em đến nay đã nặng hơn 2 kg, trải dài từ đỉnh đầu xuống cổ. Mỗi khi đi làm, em phải che kín đầu, mặt vì sợ người ta nhìn thấy rồi không nhận làm".

Khi còn ở Cà Mau, hàng ngày mẹ của Huyền đi bán vé số kiếm tiền sinh sống, còn cô đi lột vỏ tôm cho một xưởng tôm đông lạnh gần nhà. Tiền công cả ngày chỉ đủ mua thuốc cho cô uống mỗi khi khối u bướu hành hạ. Bà Tư cho hay, lương nó làm lúc đó có 600 ngàn đồng/tháng. Mặc dù kém 8, 9 lần so với các công nhân khác nhưng vẫn phải làm.

Được biết, từ nhỏ, Huyền đã không được đi học. Đến nay, cô chỉ biết viết đúng một chữ là tên của mình. Cách đây hai tháng, Huyền có làm đơn xin vào một xưởng may, được ông giám đốc thương tình nên nhận vào làm. Tuy nhiên, làm chưa được 3 ngày thì Huyền phải nghỉ việc vì công nhân trong xưởng bỏ về hết. Họ sợ lây bệnh từ cô gái này. Do đó, dù rất thương tình nhưng ông giám đốc phải cho Huyền thôi việc.

Gần một tháng cách ngày chúng tôi ghé thăm, các mụn bướu ở cổ Huyền bắt đầu sưng lên, nó khiến cô gái trẻ liên tục ngất xỉu. Điều đáng nói, khối thịt dư ở phía trước cổ Huyền đã bắt đầu lở loét, ngày đêm gây đau nhức. Ngoài ra, ở cằm Huyền mới xuất thêm một khối u khác nhưng đã to bằng quả cam, nặng khoảng 400g và đang có dấu hiệu sưng tấy. Cũng do các khối u lớn nằm ngay sau gáy và đang bị sưng lên khiến Huyền phải ngủ ngồi. "Nhiều đêm em thao thức, nghĩ vẩn vơ về số kiếp, than trách số phận bạc bẽo của mình. Chẳng biết làm gì hơn, những lúc đó em chỉ biết khóc. Rồi em nghĩ tới cha, thương cha vò võ trong cơn đau tê tái của cơ thể vẫn phải đi làm. Nhiều lúc đau quá, cha đứng không nổi, nằm không xong", Huyền khóc nức nở.                

 Hai con người một ước mơ

Ông Bùi Văn Tài chia sẻ: "Trước đây, tôi rất mong có ít tiền đi khám bệnh cho mình nhưng giờ nhìn cảnh đau đớn của con gái tôi không đành lòng, chỉ mong con được chữa khỏi". Còn với Huyền, cô không đòi hỏi bất cứ thứ gì nếu như được ai đó ban tặng. Cô chỉ mong sao bệnh tình của hai cha con sớm được chữa khỏi. "Khỏi bệnh rồi em sẽ tự đi làm, đi học, sẽ phụng dưỡng cha mẹ", Huyền nghĩ về tương lai của mình.

Đăng Văn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.