Hai chị em đến trường bằng đôi chân của cha

Hai chị em đến trường bằng đôi chân của cha

Thứ 4, 11/09/2013 08:37

Không có được đôi chân lành lặn, nhưng từ nhỏ hai chị em Triệu Thị Loan và Triệu Thị Phượng luôn mang khát khao được đến trường. Suốt 10 năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa ông Triệu Văn Sơn lại cõng từng người con một lên lớp.

Những hôm mưa bão, ông vẫn bế con gái men theo con đường bùn trơn trượt để kịp giờ học. Có hôm bị vấp ngã, hai bố con lăn xuống vùng nước, người ướt sũng. Khi ấy, người cha chỉ biết ôm con gái vỗ về, nuốt nước mắt vào trong nỗi đau vô tận. Bệnh tật, nghèo đói là thế nhưng năm học nào cả hai em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Xã hội - Hai chị em đến trường bằng đôi chân của cha

Mỗi buổi sáng, ông Sơn lại dậy sớm đưa Phượng đến trường

"Phúc bất trùng lai"

Men theo con đường nhỏ ven rừng chúng tôi mới tìm được đến nhà ông triệu Văn Sơn ở xóm Na Mẩy, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Đó là căn nhỏ, xiêu vẹo nằm sâu bên vách núi. Thấy có người lạ vào hỏi thăm, ông vui lắm. Ông bảo vì nhà nằm sâu trong núi, đường đi lại khó khăn nên hiếm khi có khách vào nhà.

Vợ chồng ông là người Tày, người mẹ già năm nay cũng đã bước sang tuổi 83 nhưng bị mù lòa còn hai cô con gái Triệu Thị Loan (SN 1995) và Triệu Thị Phượng (SN 1999) thì mới sinh ra đã mắc bệnh bại liệt, hai chân không cử động được.

Sinh ra và lớn lên tại một xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương. Năm 1983, ông Sơn nhập ngũ.  3 năm sau, ông trở về, kết duyên với người con gái Đào Thị Nhận, quê gốc Thái Bình lên Thái Nguyên khai hoang rừng làm kinh tế. Hai năm sau ngày cưới, họ đón đứa con đầu lòng, rồi năm 1992, bà sinh đứa con trai thứ hai. Từ khi mới sinh, Triệu Thị Loan đã có những biểu hiện khác thường, thường xuyên đau ốm.

"Một lần, Loan bị sốt cao, tôi đưa con đến trạm y tế xã tiêm thuốc kháng sinh nhưng hôm sau về nhà Loan vẫn không khỏi bệnh mà còn bị tê liệt cả hai chân", kể đến đây giọng ông Sơn bùi ngùi. Mẹ già đã mù lòa giờ lại thêm con gái mắc bạo bệnh.

Năm 1999, cháu Triệu Thị Phượng ra đời, giống hệt như chị, Phượng cũng cũng trải qua một trận sốt "thập tử nhất sinh" rồi sau đó bại liệt đôi chân. Gia đình ông cũng đã chạy vạy, vay mượn để đưa các cháu đi khám khắp nơi nhưng bệnh không thuyên giảm. Ông Sơn tâm sự: "Mỗi khi trái nắng, trở trời, bàn chân và các ngón chân của hai cháu bị những cơn đau nhức hành hạ, ốm đau triền miên. Những lúc ấy tôi chỉ biết ôm con vào lòng, vỗ về chúng...".

Xã hội - Hai chị em đến trường bằng đôi chân của cha (Hình 2).

Ông Triệu Văn Sơn tự hào khi kể về thành tích học tập của các con

Vượt rừng tìm con chữ

Cảm động tinh thần vượt khó

Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình ông Sơn, Chủ tịch UBND xã Na Mẩy, ông Ma Văn Tý cho biết: "Nhà ông Sơn thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài nuôi hai con bị bại liệt chân, ông Sơn còn chăm sóc người mẹ ngoài 80 tuổi bị mù lòa. Nhà của ông ấy nằm sâu bên rừng núi, đi từ trung tâm xã vào nhà cũng mất cả giờ đồng hồ nếu trời mưa. Tuy nhiên, người dân nơi đây ai cũng cảm động trước sự hiếu học của các cháu. Cả hai tuy tật nguyền nhưng học giỏi. Những lần thấy các cháu nhận giấy khen ở các cuộc thi cấp trường, huyện, tỉnh, chúng tôi cũng vui và chia sẻ với các cháu".

Tuy tật nguyền nhưng cả hai chị em Loan, Phượng đều muốn đến trường học như bạn bè. Thương con, ông lên trường xin cho hai cháu nhập học. Vậy là bắt đầu từ lớp 1, không quản nắng mưa, ông Sơn thay phiên cõng hai con đến trường rồi lại đón từng đứa về nhà.

Đáp lại sự hy sinh thầm lặng của người cha, hai cô bé Triều Thị Loan và Triều Thị Phượng năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Năm lớp 7, do trường học quá xa nhà mà mình ông Sơn không thể một mình cùng lúc đưa đón cả hai chị em đi học nên vì thương cha, Loan xin nghỉ học giữa chừng. Những ngày mưa, quãng đường 5km từ nhà ông Sơn đến trung tâm xã phải đi mất cả tiếng đồng hồ.

Những hôm mưa bão, ông dậy từ sáng sớm gấp cho con bộ quần áo vào chiếc túi nilon rồi cõng con vượt rừng đi học. Đến lớp, người cha thay quần áo khô cho con gái rồi về nhà làm nương chờ giờ đón con về.

Bà Nhận, vợ ông Sơn kể: "Năm ngoái, chính quyền có tặng cho gia đình một chiếc xe lăn để giúp các cháu đi lại dễ dàng hơn. Nhưng đường đi quanh nhà toàn đất lầy, dốc… rất khó đi nên xe không thể dùng được". Nghĩ còn nhiều người khác cần nó hơn nên bà Nhận lại mang trả cho chính quyền địa phương. Vậy là hai cô bé tội nghiệp phải chống 2 chiếc gậy gỗ cố lê đi từng chút đầy khó nhọc để đi lại, sinh hoạt.

Kể về con, ánh mắt ông Sơn rạng ngời: "Phượng hay đau yếu thế thôi nhưng cháu rất ham học, lại thông minh tiếp thu bài vở nhanh. Thấy con ham học như vậy, mình lại có thêm động lực. Bây giờ chỉ mong trời ban cho sức khỏe để còn đưa cháu đến trường mỗi ngày". Hàng ngày, ông Sơn tranh thủ việc đồng áng, đi làm nương rẫy thuê, còn vợ ông sang các xã bên đi làm mùa vụ thuê cho họ kiếm thêm tiền đóng học cho các con và chăm nuôi mẹ già.

Thầy Lý Văn Điền, Hiệu trưởng trường tiểu học Yên Trạch chia sẻ: "Dù nhà Phượng cách trường khá xa, đường sá đi lại rất khó khăn nhưng hầu như ngày nào Phượng cũng được bố đưa đến trường đúng giờ. Mặc dù không được lành lặn như bạn bè nhưng Phượng rất ham học, năm nào em cũng đạt học sinh giỏi. Các em là tấm gương điển hình của trường".

Năm 2005, qua lời giới thiệu ông Sơn đưa hai con đến khoa chỉnh hình ở bệnh viện Thái Nguyên để điều trị. Tuy nhiên sau 7 tháng nằm viện, bệnh tình của hai chị em vẫn không thuyên giảm. Trò chuyện với chúng tôi, Phượng lí nhí bảo: "Cháu chỉ mong được khoẻ mạnh, chân có thể đứng được để đi học…".

Ông Sơn vừa kể chuyện vừa đi lấy các bằng khen, huy hiệu của các con ra khoe với chúng tôi. Ông cười bảo: "Hạnh phúc lắm các chú ạ, khổ mấy cũng được miễn sao các cháu được học con chữ, sau này đỡ khổ". Ngần ấy năm trời ông không quản mưa nắng, đói nghèo, ông Sơn vẫn lặng lẽ đưa các con đến trường. "Tôi chỉ mong mình khỏe mạnh để đưa con gái đến trường. Trường cấp 2 cách nhà tôi 7km còn trường cấp 3 cách nhà đến 12km, xa lắm. Nếu chẳng may tôi ốm thì con gái lại phải nghỉ học, tội lắm", ông Sơn tâm sự.

Cao Tuân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.